Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn 15 bộ trưởng, trưởng ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về nội dung này. Trước đó, Chính phủ đã gửi 10 báo cáo chuyên đề và 1 báo cáo tổng hợp về việc thực hiện 4 nghị quyết và 4 kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 trên 10 lĩnh vực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn. |
Các tập đoàn lớn chuyển hướng đầu tư công nghệ
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN), Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý; ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp KHCN, thúc đẩy chuyển giao và làm chủ công nghệ từ nước ngoài. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KHCN.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Việt Nam như Viettel, VNPT, Thaco... đang chuyển hướng chiến lược, đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, khởi nghiệp, sáng tạo, thành lập viện nghiên cứu, trường đại học của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư và các khu công nghệ cao; đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ cao; tập trung xây dựng Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhập khẩu công nghệ, thiết bị đã qua sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm.
Nhiều trạm BOT “thu phí không đủ”
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, bảo đảm cuối năm 2019 tất cả trạm thu phí sẽ thu phí không dừng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ yêu cầu kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân.
Nhiều trạm BOT thu phí không đủ do giảm phí, chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng. Ảnh: Việt Tường. |
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chi phí đầu tư xây dựng được lập chưa thực sự đáp ứng được nguyên tắc tính đúng, tính đủ và phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế.
Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng thu phí không đủ (do giảm phí, chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng), phá vỡ mô hình tài chính của dự án gây khó khăn cho chủ đầu tư và các bên tài trợ vốn. Một số vướng mắc chưa được sửa đổi kịp thời, đến nay có rất ít dự án BOT mới được triển khai…
Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm về giải ngân ODA
Về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, Thủ tướng chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút và quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả phục vụ cho phát triển đất nước.
Kết quả, các chỉ tiêu nợ công mà Quốc hội giao. Trong đó nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát ở mức 50% GDP, thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020 và giảm mạnh so với mức 52,7% vào năm 2016 và 51,7% vào năm 2017.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài còn một số tồn tại, hạn chế như quy định pháp luật còn bất cập; tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài còn thấp so với kế hoạch; một số dự án triển khai, giải ngân chậm, chưa hiệu quả...
Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ thông tin sai sự thật
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng đã đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin. Xây dựng cơ chế phối hợp về đảm bảo an toàn thông tin mạng, xác định phạm vi, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.
Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng như: Bảo vệ các lĩnh vực quan trọng; phòng, chống mã độc; giám sát an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử; ứng cứu khẩn cấp sự cố; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Đặc biệt, chủ động phát hiện và theo dõi nguồn phát tán thông tin trên mạng Internet.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng; thường xuyên nâng cấp, cải tiến Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng, kịp thời phát hiện các thông tin tiêu cực, trái chiều báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, tăng cường trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, trái quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chủ động thực hiện các biện pháp chống tin giả, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng trong nhận biết thông tin giả mạo, sai sự thật.
Điều chỉnh quy hoạch thiếu công khai, minh bạch
Trong lĩnh vực xây dựng, đô thị, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị.
Đồng thời, kiểm tra công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng tại các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng.
Chính phủ cũng nhìn nhận công tác quản lý và phát triển đô thị còn những hạn chế, bất cập. Việc di dời trụ sở các bộ, ngành ra ngoài trung tâm các đô thị lớn còn chậm; một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học, việc điều chỉnh quy hoạch tại nhiều đô thị chưa đúng quy định, chưa bảo đảm công khai, minh bạch.
Cùng với đó, tình trạng xây dựng không phép, cấp phép không phù hợp với quy hoạch, chậm thực hiện các kết luận thanh tra vẫn còn tiếp diễn.
Dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật
Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã ưu tiên, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật.
Đối với các dự án luật quan trọng, phức tạp, Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét, cho ý kiến. Đặc biệt, từ tháng 3/2018 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Để nâng cao chất lượng các dự án luật, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết không trình các dự án không đảm bảo đầy đủ hồ sơ, không chất lượng và tính khả thi, không đủ nguồn lực thực hiện.
Giám sát việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng
Trong lĩnh vực an ninh trật tự thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chủ trương, kế hoạch, mệnh lệnh, giải pháp công tác đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước.
Bộ Công an mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm, tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, xâm hại trẻ em... Đồng thời, triệt phá nhiều đường dây tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet; điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gian lận thi cử tại một số địa phương.
Đặc biệt, Bộ đã sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm...