Thủ tướng Na Uy mất chức vì sát thủ Breivik?
Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg đang đối mặt với nhiều áp lực từ chức vì cảnh sát nước này phản ứng quá chậm trong vụ thảm sát trên đảo Utoeya hồi năm ngoái.
Sát nhân máu lạnh Breivil bị cáo buộc tội "khủng bố" trong phiên xử cuối cùng hồi cuối tháng 6/2012. Dự kiến, bản án dành cho hắn sẽ được công bố vào ngày 24/8. |
“Một phán quyết nghiêm khắc cho những sai lầm của chính phủ vẫn chưa được đưa ra. Chính phủ không thể bảo vệ người dân vì sự kém cỏi của họ. Đây là điều không thể chấp nhận được”, một bài báo kêu gọi ông Stoltenberg từ chức viết.
Ngoài ra, một bài viết khác đăng trên tờ DN của Na Uy cũng quy trách nhiệm cho Thủ tướng Stoltenberg bởi ông trì hoãn phê duyên các biện pháp an ninh có khả năng ngăn chặn vụ thảm sát của Anders Behring Breivik.
Trước búa rìu dư luận, thừa nhận trách nhiệm về mình, Thủ tướng Stoltenberg cho biết ông "lấy làm tiếc" về "những thiếu sót lớn" mà báo cáo chỉ ra. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không từ chức.
"Cách tốt nhất để tôi chịu trách nhiệm là đảm bảo tiến hành các biện pháp cần thiết để cải thiện an ninh", Thủ tướng Stoltenberg khẳng định trong một cuộc họp báo.
Sự phẫn nộ của dư luận liên quan đến sai lầm của chính phủ và cảnh sát trong vụ thảm sát cách đây hơn một năm có thể hạ gục chính phủ của Thủ tướng Stoltenberg? |
Hôm 22/7/2011, sát thủ Anders Behring Breivik cài một quả bom bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Thủ đô Oslo, làm chết 8 người. Sau đó, hắn đến đảo Utoeya, phía Tây Bắc Oslo, xả súng điên loạn trong hơn một giờ đồng hồ, giết chết 69 người khác, hầu hết là thanh thiếu niên và làm bị thương hàng chục người.
"Vụ tấn công vào tòa nhà chính phủ hôm 22/7 lẽ ra có thể được ngăn chặn bằng việc chấp hành hiệu quả những biện pháp an ninh đã được phê chuẩn", báo cáo điều tra chỉ trích sai lầm của cảnh sát và chính phủ viết.
Những lời chỉ trích và kêu gọi từ chức là đòn đau cho đảng Lao động cầm quyền của Thủ tướng Stoltenberg. Các nhà phân tích nhấn mạnh, vụ việc sẽ khiến chính phủ hay liên minh cầm quyền của ông Stoltenberg gặp nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Phe bảo thủ đối lập đang ra sức kêu gọi thảo luận công khai về những sai lầm "ngớ ngẩn" của cảnh sát và chính phủ như báo cáo điều tra nêu ra.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, báo cáo trên không đủ để hạ bệ chính phủ. Lý do là, trước đó, Thủ tướng Stoltenberg gặt hái được nhiều thành công trong việc đưa nền kinh tế Na Uy vượt qua khủng hoảng tài chính châu Âu.
Phương Đăng
Theo Infonet.vn