Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng muốn TP.HCM 'làm mạnh dạn nhưng không gây thất thoát'

Nhấn mạnh TP.HCM có vị thế lớn nhất nước, là bộ mặt quốc gia, Thủ tướng mong muốn địa phương làm việc với tinh thần mạnh dạn, nhưng không tiêu cực, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc của Chính phủ với UBND TP.HCM về giải ngân đầu tư công và thực hiện các dự án trên địa bàn chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với chủ trương của TP.HCM về bảo vệ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, không để hệ thống doanh nghiệp "đổ vỡ".

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng không giữ doanh nghiệp, không phát triển doanh nghiệp thì hậu quả từ thất nghiệp rất khó lường. Vì vậy, cần tiếp tục giãn thuế, tạo điều kiện vay ngân hàng để nâng cao khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu TP.HCM tập trung xử lý, giải quyết nhanh các dự án đang được Chính phủ thanh tra như khu Thủ Thiêm hay một số dự án khác.

Thêm 4 giờ, kinh tế ban đêm góp 5-8% GDP cho TP.HCM

"Các đồng chí cần lưu ý một số dự án người ta kêu ca nhiều lắm, đơn thư nhiều lắm, cần giải quyết nhanh, dứt điểm. Còn vướng mắc thì báo cáo để Trung ương giải quyết. Đừng để trì trệ, mang tiếng thanh tra ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp", Thủ tướng giao nhiệm vụ.

giai ngan von dau tu cong anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.HCM. Ảnh: HCMC.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh chỉ còn 25 tuần nữa là kết thúc năm nhưng nhiều dự án còn chậm, đặc biệt về giao thông và các dự án bất động sản, phát triển đô thị.

Là thành phố có vai trò, vị thế lớn nhất cả nước, bộ mặt quốc gia, Thủ tướng cho rằng TP.HCM không được chậm trễ, trì trệ mà phải năng động, sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn hệ thống chính trị khắc phục khó khăn, nhất là trong giải phóng mặt bằng.

"Thành phố cần làm mạnh dạn trên tinh thần không gây thất thoát tài sản Nhà nước và không để tham nhũng, tiêu cực xảy ra", người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng.

Ông cũng đặt ra 6 vấn đề để thành phố phát triển tốt hơn từ nay đến cuối năm. Trong đó, việc quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng vì tiêu dùng chiếm tới 60% trong cơ cấu GDP cả nước. Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước, nên giải pháp thúc đẩy tiêu dùng tại TP.HCM cũng là kích cầu cho cả nước. Phát triển dịch vụ cũng được Thủ tướng nhấn mạnh, đặc biệt là bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán, du lịch.

Thêm vào đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng kinh tế ban đêm là thế mạnh của TP.HCM. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ mỗi đêm sẽ đóng góp 5-8% GDP cho thành phố. Do đó, Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải vừa tăng trưởng, vừa đảm bảo an ninh - trật tự trong vận hành loại hình kinh tế này tại TP.HCM.

Đồng ý toàn bộ kiến nghị của TP.HCM

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, năm 2020, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn hơn 41.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/7, thành phố đã giải ngân hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ phấn đấu đến tháng 10/2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn và giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%.

Báo cáo Thủ tướng tại buổi họp, Chủ tịch Phong nhận định dù hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc, thành phố còn có một số khó khăn, vướng mắc trong 4 nhóm dự án và kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết.

Cụ thể, nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đang gặp khó khăn như dự án Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên, Metro 2 Bến Thành - Tham Lương. Nhóm dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BT) còn vướng mắc như dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4; Dự án Quảng trường Trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm...

giai ngan von dau tu cong anh 2

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong báo cáo Thủ tướng tại hội nghị. Ảnh: HCMC.

Đối với nhóm dự án đầu tư công, thành phố cũng kiến nghị có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển tiếp vốn đầu tư công sang giai đoạn 2021-2025 theo Luật Đầu tư công 2019 và yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư sớm có thông báo tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho thành phố.

Về các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành phố nêu một số khó khăn và đề xuất cụ thể đối với dự án Saigon Centre IV, Saigon Centre V của Công ty TNHH Keppel Land Watco và Dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nói về các kiến nghị kể trên của TP.HCM cuối buổi họp, Thủ tướng cơ bản đồng ý và yêu cầu các bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể để thành phố thực hiện.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020, Chính phủ thành lập 7 đoàn công tác do Thủ tướng, 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng làm trưởng đoàn. Thời gian kiểm tra từ ngày 18/7 đến 31/8.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân đạt dưới 5%.

Thủ tướng: Yêu cầu bộ ngành tháo gỡ cho TP.HCM, không được e ngại

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thứ trưởng cùng Chính phủ tháo gỡ cho TP.HCM để cuộc họp đạt kết quả theo đúng định hướng chiến lược của thành phố, không được e ngại.

Thu Hằng - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm