Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 lãnh đạo Chính phủ về từng địa phương thúc giải ngân vốn đầu tư công

7 đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng, 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn ở các bộ, địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng, 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng làm trưởng đoàn.

Cụ thể, Đoàn công tác số 1 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai; một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

lanh dao chinh phu cung di kiem tra giai ngan von anh 1

Thủ tướng sẽ làm Trưởng đoàn kiểm tra số 1, kiểm tra việc giải ngân vốn ở các địa phương TP.HCM, Đồng Nai; một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên, ĐBSCL. Ảnh: VGP.

Đoàn công tác số 2 do Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đoàn công tác số 3 do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đoàn công tác số 4 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn, kiểm tra 2 bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ.

Đoàn công tác số 5 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn, kiểm tra các bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo.

Đoàn công tác số 6 do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương (không trùng với các đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ).

Đoàn công tác số 7 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương (không trùng với các đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ).

Thời gian kiểm tra từ ngày 18/7 đến 31/8.

Thủ tướng yêu cầu các đoàn công tác có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với từng địa phương, bộ, cơ quan.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công trong phạm vi quản lý, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/8.

Trước đó, kết luận tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, Thủ tướng nêu mục tiêu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Để việc giải ngân vốn có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ.

Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan.

Theo người đứng đầu Chính phủ, phải kiên quyết chống trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có nhu cầu giải ngân cao, các dự án cần hoàn thành trong năm 2020.

Thủ tướng: 'Địa phương nào cần tiền, Chính phủ sẽ mang đến'

Nhắc việc Quốc hội đã trao quyền điều chuyển vốn đầu tư công, Thủ tướng nói: "Địa phương nào không tiêu, Chính phủ điều động. Địa phương nào cần tiền, Chính phủ mang đến".

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm