Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Địa phương nào cần tiền, Chính phủ sẽ mang đến'

Nhắc việc Quốc hội đã trao quyền điều chuyển vốn đầu tư công, Thủ tướng nói: "Địa phương nào không tiêu, Chính phủ điều động. Địa phương nào cần tiền, Chính phủ mang đến".

Sáng 18/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ ví miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh 2 đầu đất nước, đã tích cực trong phòng chống Covid-19, đóng góp vào thành công của cả nước. Tuy nhiên, trong khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Do đó, theo Thủ tướng, hội nghị lần này là để lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, giải quyết việc làm. “Cỗ máy kinh tế như cỗ xe tam mã với 3 con ngựa kéo là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Chúng ta suy nghĩ xử lý các thành tố này để có sự tăng trưởng cần thiết ở địa phương”, Thủ tướng gợi mở.

Chinh phu anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc sáng 18/7. Ảnh: VGP.

Ông nhắc lại tiềm năng rất lớn của các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động.

Trong phát triển kinh tế, Thủ tướng cho rằng phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp.

“Làm gì để đầu tư phát triển nếu không có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng”, Thủ tướng đặt vấn đề. Riêng trong giải ngân vốn đầu tư công, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đạt tỷ lệ thấp. Vì thế Thủ tướng yêu cầu phải sớm tháo gỡ.

Nhắc lại việc Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng trong việc điều chuyển vốn giữa các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để trì trệ xảy ra tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. "Địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động. Địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến", ông nói.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 8 trình Thủ tướng việc điều chuyển vốn từ những địa phương không giải ngân được sang những nơi đang cần tiền để xử lý những công trình, dự án.

Với tinh thần cởi mở, người đứng đầu Chính phủ nói không muốn địa phương và các doanh nghiệp "kêu nghèo kể khổ", mà mong muốn được nghe các ý kiến, hiến kế để giúp khu vực miền Trung - Tây Nguyên bứt phá trong 6 tháng với một quyết tâm mới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, GRDP của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước giảm 3,22% - là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%.

Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30/6, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%.

Nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên có tốc độ giải ngân vốn cao hơn so với cùng kỳ và nhưng vẫn chưa đáp yêu cầu đặt ra, chỉ đạt hơn 31% và thấp hơn mức bình quân cả nước. Tổng vốn còn tiếp tục giải ngân 6 tháng cuối năm của vùng còn hơn 9.758 tỷ đồng, số vốn ngân sách Trung ương cần tiếp tục phân bổ chi tiết cho các dự án là 1.136 tỷ đồng.

‘Lần này Thủ tướng phải ra tay, không để tình trạng trì trệ’

“Lần này Thủ tướng, Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Anh nào không giải ngân được thì chuyển vốn cho người khác vì nhiều đơn vị đang thiếu vốn”, Thủ tướng nói.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm