Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Khó giải ngân thì đừng xin vốn về để mang tiếng

Một trong những nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính thực hiện từ nay đến cuối năm là tăng cường giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thúc đẩy kinh tế.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính diễn ra sáng nay (7/7).

Khó giải ngân thì đừng xin vốn

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, dù đã thực hiện nhiều biện pháp để giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 6, số vốn đầu tư công giải ngân mới đạt 33,1% dự toán, con số thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Chính phủ.

Vì vậy, ngành tài chính với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ cần có biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch.

Thủ tướng nhắc lại số vốn đầu tư công được giao trong năm nay xấp xỉ 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) gồm cả vốn vay ODA và yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp việc giải ngân vốn.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu một số biện pháp xử lý vấn đề chậm giải ngân vốn, trong đó yêu cầu, nửa tháng một lần, các bộ, ngành, địa phương phải họp giao ban về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào.

Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương do một số bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Kịp thời đề xuất, điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không giải ngân được vốn đã giao.

Thu tuong nguyen xuan phuc anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị ngành tài chính ngày 7/7. Ảnh: BTC.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công.

“Đề nghị kỷ luật, khen thưởng các bộ, địa phương liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công. Thân là bí thư, chủ tịch đi chỗ này chỗ khác xin vốn bổ sung danh mục công trình cần thiết, nhưng xin về không triển khai gì mà giao hết xuống dưới, rồi nói khó khăn, nhất là giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng nói.

“Nếu khó giải ngân thì đừng xin vốn để mang tiếng, Chính phủ sẵn sàng điều chuyển vốn sang địa phương khác để thực hiện”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, chủ đầu tư dự án phải xem xét tháo gỡ khó khăn tại các dự án đầu tư công. Không để tình trạng “đuổi gà cho qua đám giỗ”, không phê bình, đấu tranh sẽ không giải ngân được vốn.

Nửa tháng một lần, Thủ tướng và Phó thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, không để tình trạng ì xèo, và sẽ có chế tài mạnh trong vấn đề này.

Không giao chỉ tiêu tăng trưởng cứng cho năm nay

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh nào, ngành tài chính cũng là huyết mạch của nền kinh tế. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Cỗ máy tăng trưởng được ví như cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu, và tiêu dùng), Thủ tướng cho rằng, ngành tài chính phải đóng góp lực đẩy cho cỗ xe tam mã này để kéo nền kinh tế đi lên.

Hiện tại, hầu hết nước trên thế giới đều thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có để kích cầu, tạo việc làm hỗ trợ người dân.

Theo thống kê mới nhất, tổng giá trị gói tài khóa các nước đã tung ra đến tháng 4 là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thu tuong nguyen xuan phuc anh 2

Đặc biệt, nhiều nước cũng đã phải thay đổi luật lệ, thể chế để phù hợp với tình hình kinh tế giữa đại dịch và chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Trong đó, các nước EU đã bãi bỏ luật về bội chi ngân sách và giao tùy các nước vận dụng; Trung Quốc bỏ hẳn mục tiêu tăng trưởng; nhiều nước phải mua lại các hãng hàng không lớn do ảnh hưởng của dịch…

“Ít khi Nhà nước bỏ tiền ra cho tư nhân nhưng vừa rồi buộc lòng phải bỏ tiền ra mua để không đổ gãy hoàn toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Quốc hội và Bộ Chính trị đã quyết định không đặt mục tiêu tăng trưởng cứng ở mức nào cho năm nay vì diễn biến kinh tế không lường trước. Thay vào đó, sẽ cho phép 1 số chỉ tiêu quan trọng như giảm thu ngân sách, bội chi ngân sách, và cả tăng trưởng thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.

Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách phù hợp, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó, Bộ Tài chính cùng các cấp, ngành phải thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối với các nền kinh tế.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Thủ tướng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của nước ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển.

“Nếu như các nước có tỷ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì chúng ta có tỷ lệ nợ công liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn, khoảng 54-55%. Mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định cũng là một lợi thế lớn trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau dịch”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cho biết, cần thận trọng trong cả lãi suất huy động đầu vào và đầu ra, tránh ảnh hưởng lạm phát như giai đoạn trước.

Về quy mô tỷ lệ nợ công/GDP, Thủ tướng cho biết, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP mà không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

“Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu Bộ Tài chính coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Bộ phải thực hiện tốt nhiệm vụ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ này tăng cường kiểm soát thị trường giá, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giáo dục, y tế… để không ảnh hưởng đến chỉ số giá.

“Chúng ta cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%, nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, đây là yêu cầu trong điều hành hết sức khoa học, chặt chẽ kịp thời”, Thủ tướng khẳng định.

Thu ngân sách thấp nhất 7 năm

Với việc tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm mới đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ 2019, đây là năm có tiến độ thu ngân sách thấp nhất kể từ năm 2013.

Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao

Trước tình trạng doanh nghiệp bất động sản tăng huy động vốn qua trái phiếu và nhà đầu tư cá nhân tăng mua, Bộ Tài chính đã một lần nữa đưa ra khuyến cáo với thị trường này.

Gia vang kho tang tuan toi hinh anh

Giá vàng khó tăng tuần tới

0

Biến động trong biên hẹp tuần này cho thấy kim loại quý vẫn đang bị giới hạn. Chuyên gia Phố Wall và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang bối rối về triển vọng của giá vàng tuần tới.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm