Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sáng 16/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích giải ngân vốn đầu tư công không đơn giản là phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng mà còn giải quyết vấn đề liên quan đến hàng triệu người lao động mất hợp đồng. Đằng sau các công trình là tiền lương, vật liệu, việc làm cho hàng triệu người.
Vì vậy, Thủ tướng đề cao việc cần phát huy hiệu quả nguồn vốn này, không được để nó trở thành nạn nhân của dịch Covid-19. Các địa phương phải nhận thức tầm quan trọng của vốn trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch. Ông nhấn mạnh trách nhiệm của tỉnh ủy, HĐND, UBND trong giải quyết quyết liệt các khó khăn trong đầu tư công.
Phân bổ lại từ tháng 8/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại năm 2020 phải giải ngân 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng. Trong số này, vốn cho địa phương chiếm gần 80%, còn lại trung ương là 20%.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Thủ tướng nhận thấy công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập. Trong đó, giải ngân vốn ODA là tệ nhất. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương cũng rất khác nhau.
Theo Bộ Tài chính, có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 5%.
"Nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể. Nhưng nhiều địa phương chưa biết làm gì, không quyết tâm chỉ đạo hệ thống vào cuộc", Thủ tướng phê bình và yêu cầu các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc.
Thủ tướng làm việc với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Thủ tướng cho biết từ đầu tháng 8, vốn đầu tư ở những nơi "không tiêu được tiền", không giải ngân được sẽ bị điều chuyển đến các bộ, ngành, địa phương có dự án cấp bách, cần vốn để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, Thủ tướng, các phó thủ tướng và một số bộ trưởng sẽ trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương.
"Nếu trì trệ phải kiểm điểm. Giáng cấp thi đua khen thưởng, kỷ luật, đánh giá cán bộ, xử lý nghiêm người không hoàn thành nhiệm vụ. Phải có chế tài chứ không chỉ nói anh làm tốt hay làm không tốt", Thủ tướng quán triệt và yêu cầu người làm tốt cần biểu dương công khai, người làm không tốt phải phê bình trên báo chí, truyền thông đại chúng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương báo cáo tiến độ giải ngân 2 tuần/lần để đôn đốc, quản lý.
"Xử lý vi phạm khiến một số cán bộ co lại"
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định tình trạng giải ngân đầu tư công trì trệ kéo dài do 2 điểm nghẽn chính là trình tự thủ tục kéo dài và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Về nguyên nhân đầu tiên, Phó thủ tướng điểm lại quá trình từ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đến lập dự án, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, triển khai phải mất tới 2-3 năm. Theo ông Bình, nguyên nhân là khâu quy hoạch nghiên cứu, báo cáo tiền khả thi để đề xuất đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công làm chưa chất lượng, chưa chắc chắn. Do đó, sau khi chuyển vốn thì lúng túng, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, quy trình pháp luật còn chồng chéo.
Về giải phóng mặt bằng, Phó thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm chính là của lãnh đạo, người đứng đầu thiếu quyết liệt, chưa tập trung phân công chỉ đạo. Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý sau thanh tra, kiểm tra khiến một số cán bộ "co lại". Lãnh đạo Chính phủ cho rằng "làm đúng luật pháp thì không có gì phải sợ" và đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tăng kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Phó thủ tướng chia các dự án đầu tư công thành 5 loại, gồm: Đã hoàn thành; có khả năng hoàn thành trong năm 2020; chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020; khởi công mới; chuẩn bị đầu tư. Từ đó, ông yêu cầu các địa phương, bộ, ngành có hành động cụ thể, phù hợp để đẩy tiến độ giải ngân.
Riêng với nhóm dự án chậm hoặc không thể triển khai, ông đề nghị chuyển vốn đầu tư sang các dự án có quy mô, có tính chất lan tỏa, phát triển kinh tế xã hội. Phó thủ tướng lấy ví dụ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức họp HĐND mỗi tháng một lần để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác. Từ đó, ông đề xuất các địa phương cũng có thể họp HĐND hàng tháng để điều chỉnh vốn đầu tư công cho phù hợp.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân đạt dưới 5%.