Giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ coi là một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đang khá chậm trễ, khi hết 6 tháng mới đạt trên 30%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra sốt ruột và yêu cầu có chế tài với địa phương giải ngân chậm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này vẫn có những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao, hiệu quả, đặt ra câu hỏi điểm nghẽn thực chất đang nằm ở đâu.
Zing đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương để thấy được bức tranh giải ngân vốn đầu tư công, và cách làm ở nhiều bộ, ngành, địa phương.
“Quan trọng nhất là lãnh đạo phải quyết liệt”
- Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung chưa đạt kỳ vọng, khiến Thủ tướng tỏ ra sốt ruột. Tuy nhiên, cũng có những bộ, ngành, địa phương đang làm rất tốt. Theo ông, cách làm của họ có gì khác?
- Tôi thấy mấu chốt là ở sự năng nổ, quyết liệt của lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương. Nếu họ sát sao thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt hiệu quả cao. Gặp khó khăn ở đâu, họ sẵn sàng tìm hiểu, rồi từng bước giải quyết những khó khăn đó.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: Hiếu Công. |
- Vậy những ý kiến nói rằng khó khăn nằm ở thủ tục, quy trình… là chưa hoàn toàn chính xác?
- Có thể họ chưa hiểu quy trình. Nếu hiểu, họ sẽ làm được rất nhanh. Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là người lãnh đạo phải quyết liệt.
- Bộ KHĐT có đề xuất điều chuyển vốn của những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn ngay trong tháng 8 và đã được Thủ tướng chấp thuận. Theo ông, việc điều chuyển sẽ làm như thế nào để đạt hiệu quả?
- Chúng tôi sẽ quan sát những nơi trì trệ, giải ngân thấp và báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng đã được Quốc hội giao thẩm quyền điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn. Mục đích là đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả.
Tuy nhiên, điều này phải qua một bước rà soát. Hiện đã có những nơi tự rà soát và cảm thấy không thể hoàn thành mục tiêu giải ngân nên đã trả lại hàng trăm tỷ đồng. Ngược lại, tỉnh nào có thể giải ngân nhiều hơn vốn đã giao, chúng tôi sẽ đề xuất Thủ tướng điều chỉnh bổ sung thêm.
“Chuẩn bị dự án đầu tư phải có tầm nhìn”
- Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề lập và phê duyệt dự án ở nhiều nơi rất chậm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến không thể giải ngân?
- Cái này chỉ xảy ra ở giai đoạn chuyển tiếp là năm 2016, trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Khi đó xảy ra tình trạng phê duyệt dự án đầu tư công tràn lan. Có quyết định đầu tư là làm được dự án, dẫn đến nhiều dự án không thể hoàn thành do thiếu vốn.
Tôi thấy mấu chốt là ở sự năng nổ, quyết liệt của lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương
Hiện tại, quy định đã chặt chẽ hơn, các bộ, ngành, địa phương phải chứng minh được nguồn vốn thì mới được phê duyệt dự án. Luật cấm việc chưa chứng minh được nguồn vốn mà phê duyệt dự án, do đó nhiều người có phần e dè vấn đề này.
Tôi nhấn mạnh công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải có tầm nhìn, cần làm sớm, làm nhanh, chặt chẽ, xác định được nguồn vốn. Bởi vậy, một khi dự án được phê duyệt là chắc chắn sẽ có thể thực hiện.
Quy định hiện nay sẽ giúp giải quyết được vấn đề tư duy nhiệm kỳ. Muốn làm được một dự án thì phải có tầm nhìn vượt qua nhiệm kỳ của chính người lãnh đạo, còn nếu không thì không thể làm được. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn dài hạn bởi bản chất công tác chuẩn bị của nhiệm kỳ này là dành cho giai đoạn sau.
- Tuy nhiên sẽ có mặt trái là nhiều người sẽ e dè, không làm?
- Nếu không làm thì sẽ là căn cứ đánh giá năng lực của người lãnh đạo. Nếu một tỉnh cứ trì trệ, không có dự án nào cho tỉnh phát triển, thì người lãnh đạo đã không thành công.
Giải ngân chậm là biểu hiện của kết quả cuối cùng. Suy ngược lại là do dự án chậm, dự án chậm là do đâu? Từ đó, sẽ truy được trách nhiệm cá nhân của từng người, qua từng dự án cụ thể.
Trong phạm vi một bộ, ngành, địa phương, nếu người đứng đầu thấy cán bộ cấp dưới thiếu trách nhiệm, chây ì, làm việc không hiệu quả có thể điều chuyển công tác, đổi người khác làm.
Đốc thúc giải ngân đầu tư công góp phần cho tăng trưởng
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, nếu giải ngân tốt vốn đầu tư công sẽ tác động tích cực ra sao đến tăng trưởng trong năm nay?
- Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì sẽ làm GDP tăng trưởng thêm 0,067%.
Ví dụ năm ngoái 80%, năm nay đạt 84%, thì tăng thêm 4%, tương ứng, GDP tăng thêm 0,28 điểm % GDP.
Đây là động lực tăng trưởng mà Chính phủ nắm trong tay, chỉ cần đốc thúc giải ngân nhanh sẽ thúc đẩy GDP tăng lên.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng đốc thúc giải ngân đầu tư công sẽ giúp tăng trưởng GDP năm nay. Ảnh: Việt Linh. |
- Dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư không thưa ông?
- Dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến các công trình đầu tư công. Có chăng chỉ gây ra sự chậm trễ ở một số dự án mua sắm, do hợp đồng bị đình hoãn.
Còn với gói thầu xây dựng trong nước, một số công trình ở địa bàn nóng về dịch Covid-19 sẽ bị ảnh hưởng do công nhân nghỉ. Tuy nhiên, sau giãn cách xã hội thì có thể đi làm lại bình thường.
Theo Bộ KHĐT, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công (bao gồm kế hoạch vốn các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020) từ đầu năm đến 30/6 là gần 170.000 tỷ đồng, đạt gần 29% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước và vốn chương trình mục tiêu đạt khoảng 31% kế hoạch trong khi vốn nước ngoài chỉ đạt khoảng 12% kế hoạch.
Về số vốn được giao trong năm 2020, tính đến 30/6, số tiền giải ngân được mới chỉ 30% kế hoạch (gần 156.000 tỷ đồng). Trong đó, vốn trong nước đạt tỷ lệ cao nhất, gần 33%, sau đó lần lượt là vốn chương trình mục tiêu quốc gia (gần 28%) và vốn nước ngoài chỉ đạt hơn 10%.