Theo tính toán, trong năm nay, số vốn đầu tư công phải giải ngân trên cả nước khoảng 700.000 tỷ (khoảng 30 tỷ USD). Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đang khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sốt ruột và liên tục đưa ra các chỉ đạo, trong đó có cả việc áp chế tài.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chống suy thoái kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế đã chia sẻ với Zing quan điểm về đề này, cũng như khuyến nghị chính sách thúc đẩy việc ngân số vốn khổng lồ hiện tại.
Thành công của chính lãnh đạo địa phương
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Bà nhắc lại đầu tư công đã được Chính phủ xác định là một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi kinh tế.
Bà Minh phân tích khi giải ngân tốt sẽ tạo ra tăng trưởng cho cả nước và chính các địa phương được phân bổ vốn. Ngoài ra sẽ tạo ra “cú hích” thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, tạo ra công ăn việc làm.
“Giải ngân tốt sẽ tạo ra cú hích cho cả khu vực tư nhân và Nhà nước”, bà Minh nói.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Hiếu Công. |
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương, cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ không có nhiều lựa chọn giải pháp tăng trưởng, do đó, phải tận dụng từng điểm % tăng trưởng GDP mà đầu tư công mang lại.
Tuy nhiên, ông Dương nhắc đến những vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công đang khiến tốc độ chậm lại so với kỳ vọng của Chính phủ. Việc giải ngân chậm đang thể hiện rằng một số địa phương, bộ ngành đang sử dụng nguồn lực thiếu hiệu quả.
Do đó, ông Dương nhấn mạnh việc giải ngân tốt đầu tư công không chỉ tác động đến nền kinh tế mà còn giúp thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nguồn lực của Nhà nước một cách mạnh mẽ, trách nhiệm, và hiệu quả hơn.
Với các địa phương, vị chuyên gia kinh tế nói rằng sử dụng hiệu quả nguồn vốn sẽ tạo công ăn việc làm cho địa phương. Về lâu dài, đó là các chuyển biến về hạ tầng.
“Đây chính là thành công của các lãnh đạo trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực ở địa phương mình”, ông Phương đánh giá.
Còn e dè vì vướng cơ chế
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Triển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng rào cản về thủ tục hành chính vẫn là một thách thức. Ông lấy ví dụ, việc giải phóng mặt bằng một số dự án lớn đang vướng nhiều quy trình, thủ tục, nhiều luật khác nhau, đặc biệt là Luật Đất đai và chính quyền lợi của người dân.
“Việc giải quyết vấn đề mặt bằng rất khó, chính vì thế thời gian làm dự án bị kéo dài”, ông Triển nói.
Việc phê duyệt dự án chậm trễ đang khiến các dự án đầu tư công chưa thể khởi công. Ảnh minh họa: Duy Hiếu. |
Ông Triển cũng cho rằng quy trình thực hiện một dự án cũng rất phức tạp, từ việc lập, thiết kế đến phê duyệt dự án… Tuy nhiên, ông Triển nhấn mạnh đến việc hiện tại chưa có chế tài, cơ chế ràng buộc việc phê duyệt dự án trong khoảng thời gian nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
“Một số công trình mà người đứng đầu chậm trễ trong việc phê duyệt. Trong khi chúng ta chưa có cơ chế ràng buộc trong khoảng thời gian nào anh phải phê duyệt. Điều đó dẫn đến các dự án rất chậm trễ”, ông Triển nói.
Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, tuy nhiên, ông Triển cho biết thực tế ở nhiều địa phương, lãnh đạo đứng đầu rất quyết đoán, dám nghĩ, dám làm nhưng lại vướng cơ chế, ràng buộc quy định pháp lý. Khi vướng cơ chế, thủ tục, nhiều người trở nên e dè.
“Nếu người đứng đầu quyết đoán, nhưng vướng luật thì có thể lại gây hại cho chính họ. Do đó, họ có quyết đoán nhưng lại không thay đổi được vấn đề”, ông Triển nói.
Ông Nguyễn Anh Dương thì cho rằng trên cả nước có địa phương, bộ ngành vẫn giải ngân tốt vốn dù gặp nhiều khó khăn. Do đó, ông cho rằng chính các bộ, các địa phương phải nhìn nhau để học hỏi.
“Kinh nghiệm tốt thì phải phát huy, có vấn đề cần tháo gỡ thì phải kiến nghị”, ông Dương nói.
Vị này nhấn mạnh hiệu quả của việc giải ngân có hay không vẫn phụ thuộc vào sự quyết liệt và chủ động của người đứng đầu. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư ngày càng khan hiếm thì các địa phương phải chắt chiu và tận dụng.