Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'30 tỷ USD có sẵn, chỉ chờ giải ngân'

Ước tính nếu giải ngân hết số vốn đầu tư công 700.000 tỷ (30 tỷ USD) trong năm nay sẽ giúp phục hồi kinh tế, nhưng nhiều địa phương và bộ ngành vẫn loay hoay tìm cách tiêu.

Ước tính nếu giải ngân hết số vốn đầu tư công 700.000 tỷ (30 tỷ USD) trong năm nay sẽ giúp phục hồi kinh tế, nhưng nhiều địa phương và bộ ngành vẫn loay hoay tìm cách tiêu hết.

1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) là số vốn Quốc hội giao UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành, trong đó số tiền phải giải ngân hết trong năm nay là 17.000 tỷ. Đây được coi là địa phương có trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công nhiều nhất cả nước.

Thử thách của Đồng Nai không chỉ là giải ngân hết, mà còn phải nhanh để đảm bảo tiến độ khởi công sân bay Long Thành vào đầu 2021. Các công việc cần thực hiện là giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, để bàn giao “đất sạch” cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của Đồng Nai đang khiến người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải sốt ruột. Trong báo cáo tỉnh này gửi Quốc hội, lũy kế tính đến hết tháng 5, số tiền giải ngân được chỉ là 1.242 tỷ, trên tổng số 17.000 tỷ đồng (7,3%).

Đồng Nai chỉ là một trong rất nhiều địa phương đang loay hoay trong việc giải ngân đầu tư công, không chỉ năm nay mà nhiều năm trước. Ước tính tổng số tiền đang chờ giải ngân khắp cả nước vào khoảng 700.000 tỷ đồng (30 tỷ USD).

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, kéo giảm đà tăng trưởng thì đầu tư công đóng vai trò vô cùng quan trọng, như một “gói kích thích”, “quả đấm thép” trúng nhiều mục tiêu. Do đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đồng nghĩa thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm trong năm nay, thậm chí là chống được suy thoái kinh tế.

Trong bộ môn kinh tế học vĩ mô, phương trình Y (tổng cầu) = C (tiêu dùng cá nhân) + I (đầu tư tư nhân) + G (đầu tư công) + X (xuất khẩu) - M (nhập khẩu) được coi là cơ bản nhất, mà bất cứ nhà điều hành nào cũng nắm. Nhìn vào phương trình có thể thấy vai trò của từng yếu tố trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Muốn tăng trưởng kinh tế, nghĩa là làm tăng tổng cầu, thì Chính phủ phải tìm cách tăng các hàm số C, I, G hay X-M. Trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ không có nhiều hàm số tiềm năng để tạo ra tăng trưởng.

Dịch bệnh khiến người dân giảm thu nhập, thắt chặt chi tiêu khiến tiêu dùng cá nhân giảm. Đầu tư tư nhân gặp khó khăn, đang từng bước phục hồi nhưng còn chậm. Xuất nhập khẩu hàng hóa cũng gặp khó do các nước vẫn đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh này, đầu tư công là hàm số quan trọng trong phương trình trên, giống như một động lực tạo ra tăng trưởng GDP. Hơn hết, Chính phủ “nắm trong tay” số vốn đầu tư công, có thể tự quyết định làm tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng GDP.

Khi vốn đầu tư công được giải ngân, sẽ tạo ra nhiều lợi ích lan tỏa cho nền kinh tế. Tiền được đầu tư sẽ giúp kích cầu và tạo ra công ăn việc làm, lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác nhau. Ví dụ, Chính phủ đầu tư xây dựng một trường học, sẽ tạo ra nhu cầu về vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, trang thiết bị dạy học, điện, nước… Đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục công nhân, kỹ sư…

Gián tiếp, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, nội thất, thiết bị dạy học… sẽ có đầu ra sản phẩm để tiếp tục sản xuất. Các kỹ sư, công nhân… sẽ có thu nhập để mua các sản phẩm dịch vụ tiêu dùng cá nhân… Từ đó tạo lan tỏa tới các ngành khác trong toàn nền kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

giai ngan von dau tu cong anh 1

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nói rằng giải ngân vốn đầu tư công lúc này như là cách “bơm tiền” vào nền kinh tế mà không cần gói kích thích. Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng nếu giải ngân được hàng chục tỷ USD thì lan tỏa đến mọi ngành kinh tế, sẽ có hàng chục triệu người được hưởng lợi.

“Tôi nghĩ rằng giải ngân hết 30 tỷ USD để hàng chục triệu người đều có phần”, ông Hiển chia sẻ.

“Tiền đã có sẵn, chỉ cần giải ngân” là chia sẻ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với Zing. Ông nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công giống như một “quả đấm thép” trúng nhiều mục tiêu cùng lúc. Tiền sẽ giúp kích thích cả chiều cầu và cung mà không làm ảnh hưởng bội chi, không làm ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô.

Do đó, người đứng đầu ngành KHĐT nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải là ưu tiên số 1 lúc này để phục hồi kinh tế sau dịch.

Biết được lợi ích, nhưng tình hình giải ngân số tiền đã được cấp ở một số địa phương vẫn còn khó khăn.

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công (bao gồm kế hoạch vốn các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020) từ đầu năm đến 30/6 là gần 170.000 tỷ đồng, đạt gần 29% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước và vốn chương trình mục tiêu đạt khoảng 31% kế hoạch trong khi vốn nước ngoài chỉ đạt khoảng 12% kế hoạch.

Về số vốn được giao trong năm 2020, tính đến 30/6, số tiền giải ngân được mới chỉ 30% kế hoạch (gần 156.000 tỷ đồng). Trong đó, vốn trong nước đạt tỷ lệ cao nhất, gần 33%, sau đó lần lượt là vốn chương trình mục tiêu quốc gia (gần 28%) và vốn nước ngoài chỉ đạt hơn 10%.

Theo Bộ Tài chính, chỉ có 9 bộ, ngành và 37 địa phương có số ước giải ngân đạt đến 30/6 đạt trên 30%. Hai cơ quan giải ngân được theo kế hoạch là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Trong khi đó, 2 bộ ngành khác và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% gồm Ngân hàng Phát triển, Bộ Nội vụ, Ninh Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Bình, Hà Nam.

giai ngan von dau tu cong anh 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiểm tra việc giải ngân vốn đầu tư công tại Bình Định. Ảnh: Hồng Vân.

Tuy nhiên, có đến 34 bộ, ngành trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, có một số ngành trung ương chưa giải ngân đồng vốn nào như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Với nguồn vốn vay nước ngoài, tình hình giải ngân thậm chí còn chậm chạp hơn rất nhiều. Tại hội nghị Chính phủ với địa phương, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết tới tháng 6, nguồn vốn ODA dành cho năm 2020 là 60.000 tỷ đồng. Trong đó 2/3 là dành cho các tỉnh thành, nhưng tới nay có đến 22 tỉnh thành giải ngân bằng 0. Chỉ có 16 tỉnh thành giải ngân được trên 10%.

Theo Phó thủ tướng, khi xin dự án, các địa phương cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng nhưng nay lại nói khó khăn về vốn để giải phóng mặt bằng. Ông khẳng định việc một số nơi đề xuất lấy nguồn vốn vay ODA để giải phóng mặt bằng là không được phép.

“Các địa phương phải chủ động có giải pháp huy động nguồn vốn để sớm giải ngân nguồn vốn này”, ông nói.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, có 10 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công vay nước ngoài, gồm Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.

Trở lại Đồng Nai, tiền dành cho giải phóng mặt bằng đã được Quốc hội cấp, nhưng tỉnh vẫn gặp khó để tiêu. Nguyên nhân chính là do vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Để thực hiện dự án xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi 5.000 ha đất của 18 tổ chức và 5.283 hộ gia đình với tổng số 15.716 thửa đất. Do không thể cùng lúc thu hồi được diện tích đất lớn như vậy, nên tỉnh ưu tiên thực hiện giai đoạn 1 với diện tích 1.810 ha.

giai ngan von dau tu cong anh 3

Sau nỗ lực của tỉnh, quá trình kiểm kê giai đoạn 1 đã xác định được diện tích đất của 1.145 hộ gia đình, cá nhân là 630 ha. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 138 hộ với khoảng 88 ha đất chưa xác định được nguồn gốc. Khi chưa xác định được chủ đất thì chính quyền cũng không thể làm hồ sơ và tiến hành bồi thường, chi trả.

Không thể phủ nhận dịch Covid-19, thời gian giãn cách xã hội từ đầu năm đến nay ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc ở nhiều khâu như giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... Vướng mắc về thủ tục là vấn đề đang gặp phải ở 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM.

Tại TP.HCM, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài là 4,13%. Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết nguyên nhân là thành phố đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Lý do nữa là ảnh hưởng bởi Covid-19 nên chưa thể hoàn tất thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại thành phố, nhất là đối với các gói thầu ngắn hạn cần có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.

Tại Hà Nội, Phó chủ tịch UBND Doãn Văn Toản cho biết trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn ODA đạt 22,14% kế hoạch giao. Khó khăn vướng mắc của Hà Nội là thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa xong, đặc biệt là dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

“Các đồng chí phải nóng ruột lên”, là câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Chính phủ với địa phương sơ kết công việc 6 tháng đầu năm. Tại hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ tỏ ra rất sốt ruột khi đã qua nửa năm mà tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt được khoảng 1/3 kế hoạch cả năm.

"Lần này Thủ tướng, Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ tái diễn”, người đứng đầu Chính phủ gay gắt nói trong cuộc họp được nối trực tuyến tới 63 tỉnh.

Hai giải pháp được Thủ tướng đưa ra để khắc phục tình trạng trì trệ là quy trách nhiệm với chế tài nghiêm khắc và điều chuyển vốn.

Thứ nhất, Chính phủ sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, các địa phương khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân. Giải ngân vốn sẽ được coi là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của lãnh đạo các tỉnh.

Thủ tướng cũng nhắc lại khó khăn lớn nhất để giải ngân thường là giải phóng mặt bằng và đặt câu hỏi "khi đó, ông bí thư, chủ tịch UBND tỉnh đang ở đâu".

“Ông bí thư, chủ tịch UBND phải xắn tay áo để giải phóng mặt bằng. Khi xin dự án thì rất quyết liệt, nhưng gặp giải phóng mặt bằng lại không quan tâm. Vấn đề đang bế tắc chỗ này, do đó phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng nói.

giai ngan von dau tu cong anh 4

Thứ hai, Chính phủ sẽ điều chuyển vốn cấp cho địa phương nào giải ngân chậm, không hiệu quả sang địa phương khác hiệu quả hơn. Điều này đã được Quốc hội thông qua và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giúp tham mưu cho Chính phủ việc điều chuyển ngay trong tháng 8 tới.

Sắp tới, Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương để xem xét tiến độ giải ngân. Nếu tình hình ở một số địa phương không chuyển biến, sẽ kiên quyết điều chuyển vốn.

Sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ khiến nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều địa phương “nóng” hơn bao giờ hết.

Tại TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, cho biết giải ngân vốn đầu tư công là 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm nay. UBND TP.HCM tổ chức họp 2 tuần/lần để rà soát công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 10 tỷ lệ giải ngân phải đạt trên 80% kế hoạch.

Còn tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố phải giải ngân 107.300 tỷ đồng. Trong 4 năm (2016-2019), đã giải ngân được 70.000 tỷ, chiếm 65%. Hà Nội cũng thành lập ban chỉ đạo để rà soát, giải quyết các điểm nghẽn, đẩy nhanh triển khai các dự án. Theo thống kê, Hà Nội đã khởi công và giải ngân được 30/84 dự án mới. Với 54 dự án mới còn lại, hiện đã làm xong thủ tục đầu tư, đang làm thủ tục lựa chọn nhà thầu để khởi công, giải ngân từ nay đến cuối năm.

Còn tại Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết đã giải ngân được 59% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Cách làm của Đà Nẵng là HĐND đã phân cấp mạnh cho UBND thành phố thực hiện các chủ trương đầu tư liên quan đến các dự án nhóm B, nhóm C, từ đó triển khai nhanh.

Còn tại Đồng Nai, một tổ công tác đặc biệt cũng mới được lập theo cách đặc biệt để xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành. Tổ công tác có nhiệm vụ xử lý đối với các hồ sơ đất vắng chủ, nghĩa là làm công việc như một “tổ điều tra”.

Các “điều tra viên” sẽ cố gắng tìm mọi cách để liên lạc mời chủ đất của những lô bỏ hoang nhiều năm đến đo đạc, kiểm đếm, hoàn thành hồ sơ bồi thường, thu hồi đất. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã điều động 51 cán bộ, viên chức từ các sở, ngành chuyên môn của tỉnh cho UBND huyện Long Thành để hỗ trợ công việc.

Cách làm này của Đồng Nai không chỉ mong muốn giải ngân thật nhanh 17.000 tỷ trong năm nay mà còn thu hồi được 5.000 ha đất cho sân bay Long Thành trong tương lai.

Hiếu Công

Đồ họa: Minh Hồng

Bạn có thể quan tâm