Sáng ngày 9/7, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng.
Chính sách gì để vực dậy các ngành?
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa dừng lại, nhất là tại các nước đối tác lớn của Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, hầu hết nước đều nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ với mức độ chưa từng có. Theo thống kê mới nhất, nếu tháng 4, tổng các gói kích thích tài khóa mới là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Về tình hình trong nước, Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh sớm nhất. Theo Thủ tướng, gần 3 tháng qua, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và Việt Nam tích cực thực hiện mục tiêu kép.
“Hiện nay, các cân đối lớn của nền kinh tế đều giữ vững. Các lĩnh vực trọng yếu có xu hướng đi lên mạnh mẽ”, Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần nhận diện rõ rủi ro, đưa ra các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Ông cũng cho rằng khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng kiến nghị cần có các giải pháp, chính sách cụ thể; mức độ, liều lượng, thời điểm nào cho phù hợp để vực dậy các ngành, các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, nhất là dịch vụ, du lịch.
Bỏ lỡ nguồn vốn là khuyết điểm, sai lầm lớn
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua chưa đạt yêu cầu đặt ra, Thủ tướng cho rằng cần làm mạnh mẽ hơn. Ông nhắc lại yêu cầu cần họp giao ban nửa tháng một lần, đi kiểm tra trực tiếp, điều chuyển vốn của các những đơn vị, địa phương không giải ngân được sang các công trình khác.
“Lần này phải làm cương quyết, không để tình trạng chậm trễ như vừa qua”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Ngoài ra, trong điều kiện thị trường quốc tế thu hẹp, cầu nội địa giảm, Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng kiến nghị những biện pháp cụ thể để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.
“Cần có chính sách gì mới để thúc đẩy lĩnh vực xuất nhập khẩu? Đề nghị các đồng chí hiến kế làm thế nào để thu hút đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI, đi liền với đó là cải thiện môi trường đầu tư”, ông đặt ra câu hỏi tới các thành viên Hội đồng.
Thủ tướng cũng nêu quan điểm nếu bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn vốn FDI khu vực và toàn cầu trong lúc dịch chuyển các dòng vốn, là một khuyết điểm, sai lầm lớn.
Cuối bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là càng khó khăn, càng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhất là làm sao tạo môi trường đầu tư tốt hơn.
Ông đề nghị các thành viên Hội đồng phát hiện, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới như kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, thương mại, thanh toán điện tử…
Trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đây được coi là một trong những chính sách tài khóa quan trọng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Chính sách này sẽ gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tiền tệ trị giá khoảng 300.000 tỷ đồng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạ lãi suất để giúp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.