Sáng 2/7, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đang có nhiều vấn đề trong việc thu - chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm.
Tiến độ thu ngân sách thấp nhất kể từ năm 2013
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng nội địa thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khoá để phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, tổng thu ngân sách 6 tháng ước đạt 44,22% dự toán, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính cả thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Dũng Minh. |
“Đây là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013 và suy giảm so với cùng kỳ ở cả 3 lĩnh vực kinh tế”, ông nói.
Trong đó thu nội địa đạt 44,11% dự toán (giảm 8%); thu dầu thô đạt 59,7% dự toán (giảm 28,5%); thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,4% dự toán (giảm 21,9%). Ngoài ra, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 37,1% dự toán (giảm 21,5%); thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,8% (giảm 6,5%); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37% dự toán (giảm 16,1%)...
Trên cả nước, có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% so với dự toán được giao. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán. 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.
Tính đến cuối tháng 6, cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 148.000 giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất. Tổng số tiền được gia hạn khoảng 43.000 tỷ đồng.
Chính phủ trả nợ đầy đủ, đúng hạn
Về điều hành chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết lũy kế 6 tháng, chi ngân sách đạt 41,8% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, giảm 0,9%; chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.
Đến nay ngân sách đã chi khoảng 15.300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, 4.100 tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch. Khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được hỗ trợ khoảng 11.300 tỷ đồng.
Để đáp ứng các nhiệm vụ chi, Bộ Tài chính đã phát hành 96.100 tỷ đồng trái phiếu. Ảnh: Forbes. |
Bên cạnh đó, ngân sách trung ương cũng đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai…
Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, mặc dù đạt tiến độ khá so cùng kỳ năm 2019 (33,1% so với 28,6% của năm 2019), nếu so với số vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang thì số giải ngân 6 tháng mới đạt 28,94% kế hoạch. Đặc biệt, giải ngân vốn ngoài nước mới đạt 10,2% dự toán.
Về cân đối ngân sách, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã chủ động phát hành 96.100 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (khoảng 4,2 tỷ USD), với kỳ hạn bình quân 14,01 năm, lãi suất bình quân 2,99%/năm, thấp hơn vay ưu đãi nước ngoài, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi.
Đồng thời, Bộ cũng đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước. Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.