Chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác gồm các phó thủ tướng và bộ trưởng làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công và thực hiện các dự án đầu tư công.
Phải tháo gỡ cho TP.HCM
"Yêu cầu các bộ trưởng, thứ trưởng cùng Chính phủ tháo gỡ cho TP.HCM để cuộc họp đạt kết quả theo đúng định hướng chiến lược của thành phố và thể chế của Nhà nước hiện hành, không được e ngại", Thủ tướng giao nhiệm vụ khi bắt đầu cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Hiếu/ VGP. |
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến 15/7, TP.HCM đã giải ngân 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn cùng kỳ năm 2019.
Dù việc giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đang cao hơn tỷ lệ chung cả nước, lãnh đạo TP.HCM nhận định nhiều dự án sử dụng vốn ODA, hợp đồng đối tác công - tư (BT) còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đối với các tuyến vành đai của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho hay đến nay, tuyến Vành đai 2 mới chỉ khép kín hơn 50/64 km, Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16/89 km (18%) và Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT và phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đối với tuyến Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2025, chủ trương đầu tư cho tuyến vành đai trên cần được thông qua để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.
Giải ngân cho 2 dự án metro như thế nào?
Thành phố cũng xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao các bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào khu phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc 2 dự án đường sắt đô thị. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Nguyễn Thành Phong cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng sớm có chỉ đạo về việc triển khai xây dựng Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thời gian sắp tới.
Đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ Trung ương là 3.676 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo tiến độ, kế hoạch của dự án.
Đối với dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP.HCM kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm phê duyệt điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí để phục vụ các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập. Dự kiến, mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến Metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020, Chính phủ thành lập 7 đoàn công tác do Thủ tướng, 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng làm trưởng đoàn. Thời gian kiểm tra từ ngày 18/7 đến 31/8.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Theo Bộ Tài chính, ước tính giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân đạt dưới 5%.