Sau cơn mưa lớn đầu mùa, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) lại rơi vào cảnh hỗn loạn do ngập nước. Ôtô, xe máy chen nhau lao lên vỉa hè để tránh đoạn nước sâu, người kém may mắn hơn phải đẩy, dắt xe chết máy.
Trước tình hình đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng xóa tình trạng ngập nặng sau mưa. Cùng với đó, người dân khu vực trung tâm thành phố từng ngày chờ đợi dự án chống ngập do triều với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đi vào vận hành.
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, nhận định với những dự án, công trình chống ngập đang được thi công, đến năm 2021, khu vực trung tâm thành phố sẽ cơ bản không còn ngập.
Có phải xin lỗi dân?
Cử tri Nguyễn Văn Phú (phường Đa Kao, quận 1) kể về nỗi khổ của người dân khi nhiều nơi "cứ mưa là ngập". Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ông Phú yêu cầu lãnh đạo thành phố cần đưa ra thời điểm cụ thể để những công trình chống ngập phát huy hiệu quả.
"Công trình xây dựng trong thành phố khiến đường hẹp, ô nhiễm có treo biển 'xin lỗi vì sự bất tiện này', vậy HĐND và lãnh đạo thành phố có phải xin lỗi người dân mỗi khi mưa là đường sá, nhà cửa ngập nước?", ông Phú đặt câu hỏi.
Xe chết máy, người dân lội qua dòng nước sau cơn mưa lớn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mùa mưa ở TP.HCM bắt đầu từ tháng 5, khi ấy, nhiều tuyến đường từ trung tâm đến ngoại ô thành phố lâm vào cảnh ngập, có nơi nước dâng quá nửa bánh xe.
Những ngày đầu tháng 7, cảnh ngập nước xuất hiện ở hàng loạt tuyến đường như Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), xe cộ không thể di chuyển sau những cơn mưa kéo dài. Mưa với vũ lượng lớn cộng với độ dốc của mặt đường tạo thành dòng chảy xiết khiến hàng loạt xe máy ngã.
Tại khu vực phường Thảo Điền (quận 2), người dân trên đoạn đường Nguyễn Văn Hưởng vẫn phải chịu cảnh ngập úng do triều cường kéo dài hàng trăm mét ngay cả khi trời không mưa. Khi mưa lớn xuất hiện cùng lúc với triều cường, con đường trở thành ác mộng với bất kỳ tài xế nào phải lưu thông qua.
Khu Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) thường xuyên chịu cảnh ngập do triều. Ảnh: Chí Hùng. |
Nhận định về việc ngập hiện hữu tại TP.HCM, đặc biệt khu vực trung tâm, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc nhiều công trình cao tầng được xây dựng, mặt đất bị bê tông hóa với mật độ cao là một trong những nguyên nhân chính cản trở quá trình thẩm thấu nước, gây ngập diện rộng tại đô thị.
"Ngập ở TP.HCM là biểu hiện rõ nét nhất của quá trình đô thị hóa. Lượng nước sử dụng tăng, mặt đất không còn khả năng tiếp nhận nguồn nước thẩm thấu đòi hỏi TP.HCM cần thêm phương án cho đầu tư hạ tầng", ông Điệp nêu quan điểm.
Kỳ vọng dự án chống ngập 10.000 tỷ
Theo dự kiến, trong năm 2020, giai đoạn 1 của dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng sẽ hoàn tất thi công. Khi vận hành, dự án sẽ kiểm soát được vấn đề ngập do triều cường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 bờ hữu sông Sài Gòn.
Với 6 cống kiểm soát triều ở các sông, kênh lớn và nhiều đoạn đê, dự án chống ngập 10.000 tỷ được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng ngập lụt tại khu vực trung tâm TP.HCM đã tái diễn nhiều năm.
Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ của TP.HCM sẽ hoàn thành năm 2020. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Khi đi vào hoạt động, nhà đầu tư cam kết mực nước do mưa hay triều cường sẽ được kiểm soát bằng van ngăn. Khi mực nước dâng cao qua mức cam kết, hệ thống bơm sẽ vận hành để hỗ trợ, xóa ngập tại khu vực nội thành", ông Vũ Văn Điệp thông tin.
Ngoài ra, dự án kiểm soát triều bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2) cũng đạt 90% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Dự án có mục tiêu bảo vệ 1.600 ha đô thị với tổng dân số khoảng 25.000 người tại khu vực quận 2 và quận Thủ Đức.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư hạ tầng đô thị cho biết các đơn vị thi công đang gấp rút thực hiện gia cố các đoạn đê xung yếu, nạo vét, khơi thông dòng chảy những kênh, rạch có nhiệm vụ dẫn nước, hỗ trợ cho các dự án chống ngập.
Còn nhiều vấn đề
Ngoài sự quá tải về hạ tầng thoát nước, thành phố đang phải đối mặt với vấn nạn lấn chiếm kênh, rạch, khiến dòng chảy bị thu hẹp. Rác thải từ các khu dân cư, khu đô thị xuất hiện dày đặc, cản trở khả năng hoạt động của hàng loạt van, cống thoát nước trên địa bàn.
"Tại vị trí thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều công trình, nhà dân lấn chiếm khiến dòng chảy thoát nước thu hẹp. Trung tâm phải bố trí nhân viên túc trực để thường xuyên vớt rác tại cửa cống", Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị lý giải.
Ông cũng dẫn chứng đường Phạm Văn Đồng là nơi đã được đầu tư bài bản về thủy lợi và thoát nước. Tuy nhiên, hệ thống cửa xả chính đã bị lấn chiếm, tạo điểm nghẽn dòng chảy, gây ngập úng khi mưa lớn.
TP.HCM chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề lấn chiếm kênh, rạch. Ảnh: Lê Quân. |
"Khó khăn lớn của công tác chống ngập còn là nguồn lực. Ngân sách đầu tư cho hệ thống thoát nước thành phố chỉ đạt 25-26% so với nhu cầu, việc huy động các nguồn lực khác cùng tham gia là rất quan trọng", ông Điệp nói và cho rằng việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư PPP sẽ là giải pháp giảm gánh nặng cho vấn đề ngân sách.
Tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM diễn ra ngày 3/7, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thời gian tới, khi Luật PPP có hiệu lực, TP.HCM sẽ gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư các dự án chống ngập do luật đã bỏ đi quy định về các hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Để giải quyết vướng mắc trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu một hình thức đối tác công tư khác là BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).
Trao đổi với Zing, đại diện Ban Đô thị HĐND TP.HCM cho biết những vấn đề về đầu tư hạ tầng, quy hoạch chống ngập do mưa, do triều sẽ được đưa ra bàn luận và tìm hướng đi trong kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra trong tuần này.