Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TTX VN |
Ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu tại Paris, Pháp; thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (từ 30/11 đến 2/12).
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Thủ tướng dự Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu
Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tổ chức tại Paris, Pháp, là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015 với khoảng 40.000 đại biểu từ khắp thế giới tham dự.
Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015). Theo đó, các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.
Bước vào năm 2015, các tác hại ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đối với nhân loại và sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã tạo đà thúc đẩy các quốc gia tích cực thương lượng nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu.
Do vậy, nếu thỏa thuận toàn cầu lần này được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ LHQ, cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, các nước phát triển và đang phát triển.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn tham dự Hội nghị COP 21 khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác với EU và Vương quốc Bỉ
Trong chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội kiến các nhà lãnh đạo châu Âu gồm: Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhằm trao đổi các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của cả hai bên, phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam như năng lượng, tăng trưởng xanh, đào tạo nghề.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, hàng không - vũ trụ,…
Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990. Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ và mong muốn tăng cường quan hệ hợp hợp tác nhiều mặt tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai bên.
Tháng 6/2012, Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) được chính thức ký kết và Việt Nam đã phê chuẩn PCA vào tháng 11/2013; về phía EU, hiện có 24/28 nước phê chuẩn PCA. PCA giữa Việt Nam và EU đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa 2 bên, thể hiện những bước phát triển to lớn, sâu rộng của quan hệ Việt Nam - EU trong hơn 20 năm qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU bước sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được khởi động đàm phán từ năm 2010, đến ngày 4/8/2015, hai bên đã công bố kết thúc đàm phán.
Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Từ năm 2001 đến năm 2014, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa 2 bên tăng hơn 8 lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2001 lên gần 37 tỷ USD năm 2014; tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 bên tính đến hết tháng 9/2015 đạt gần 31 tỷ USD (tăng 15,46% so với cùng kỳ năm 2014).
Việt Nam và Vương quốc Bỉ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 3/1973. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển hết sức tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp; không ngừng tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác.
Trong giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh và ổn định, từ gần 400 triệu USD năm 2000 lên đến 1,2 tỷ USD năm 2010. Đến năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước đạt con số khoảng 2,3 tỷ USD.
Tính đến tháng 10/2015, Bỉ có 59 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 420 triệu USD, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực y tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng giữa hai bên thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều kết quả quan trọng.