Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris sẽ đạt được những gì?

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đối khí hậu lần thứ 21 chuẩn bị diễn ra với kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho khí hậu toàn cầu.

Thủ đô Paris của Pháp sẵn sàng đón Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đối khí hậu lần thứ 21. Ảnh: Getty 

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP21) thu hút 40.000 nhà đàm phán đến từ 196 chính phủ đến tham dự. Theo lịch trình, hội nghị sẽ diễn ra hội trường Le Bourget phía Bắc Paris, dự kiến các nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ đưa ra một vài phát biểu ngắn trước khi bắt đầu 2 tuần đàm phán. Tài liệu ban đầu của hội nghị là một bản dự thảo dày 55 trang được hoàn tất sau nhiều tháng đàm phán chuẩn bị.

Viên chức điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Christiana Figueres cho ​biết điều quan trọng là Liên Hợp Quốc và các nước tham gia thiết lập một quá trình bắt đầu vào năm 2020 nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng trước hết các nước trên thế giới cần phải nỗ lực cân bằng lợi ích quốc gia lẫn chính trị nhằm tiến tới một thỏa thuận.​

Tình hình hiện nay

- Tính từ năm 1850, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng 1 độ C.

- 2 độ C là mức tăng nhiệt độ Trái đất mà các nhà đàm phán khí hậu đã đặt ra vào năm 2050 để có thể giảm thiểu các tác động từ biến đổi khí hậu.

- Lượng khí CO2 trên Trái Đất đã tăng 30% kể từ thời tiền công nghiệp.

- Lượng băng tại Bắc Cực đã giảm 4% kể từ năm 1979.

- Kể từ năm 2000, thế giới ghi nhận 9 năm nóng kỷ lục.

Báo giới phương Tây đánh giá khác với COP hàng năm thường tập trung vào các nước đã phát triển, hội nghị năm nay gần như mọi quốc gia từ Mỹ, Nga tới Saudi Arabia và Sudan đã cam kết sẽ chuyển sang sử dụng các nhiên liệu tái tạo hay giới hạn lượng khí thải carbon.

Hiện Brussels đang mong muốn hầu hết các thỏa thuận tại COP21 phải có cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý trong khi Mỹ và Trung Quốc không muốn những thỏa thuận của mình bị ràng buộc với pháp luật quốc tế.

Vì sao COP21 tại Paris lại quan trọng?

COP21 tại Paris lần này là cơ hội cuối cùng để các nước thống nhất một thỏa thuận như lộ trình mà các chính phủ tại COP17 đề ra hồi năm 2011. Lần cuối cùng các nước nỗ lực đi đến một thỏa thuận quốc tế là tại Copenhagen năm 2009, khi đó thỏa thuận tại hội nghị không yêu cầu cắt giảm lượng khí thải khiến các nhà môi trường và nhiều quốc gia tuột mất cơ hội khắc phục các diễn biến khí hậu tiêu cực.

Suốt 6 năm qua, khí hậu toàn cầu đã có nhiều biến đổi khó lường. Các nhà khoa học và LHQ dự báo thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều hơn các đợt hạn hán, cháy rừng hay bão nhiệt đới nếu nhiệt độ thế giới tăng hơn 2 độ C vào cuối thế kỷ. Nên nhớ rằng, ở thời điểm hiện tại, khí hậu trung bình tại trái đất vốn đã tăng 1 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu ngắn trước khi hội nghị bắt đầu - Ảnh: Tân Hoa xã

COP21 tại Paris có thể đem lại những gì?

Trong trường hợp các nước thống nhất cam kết cắt giảm lượng khí thải tại COP21, LHQ ước tính nhiệt độ trung bình trái đất sẽ tăng 3 độ C vào năm 2100. Theo BBC, việc cắt giảm rõ ràng chưa đủ để đáp ứng mục tiêu của LHQ, tuy nhiên vẫn là một tín hiệu tích cực so với viễn cảnh trái đất tăng 4-5 độ C nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.

Liên minh Châu Âu (EU) và nước chủ nhà Pháp mong muốn COP21 sẽ tạo nên một hệ thống mà qua đó các nước có thể đánh giá công tác triển khai 5 năm một lần. Bằng cách này, các nước có thể tự điều chỉnh nếu như đang vượt quá lượng khí thải hoặc chuẩn bị đưa các công nghệ mới đi vào hoạt động.

Khác với mọi năm, COP21 sẽ bao gồm kế hoạch hành động cụ thể của hầu hết các quốc gia. Ảnh: CNN

Trở ngại với thỏa thuận tại COP21​?

Truyền thông Châu Âu nhận định, hội nghị lần này sẽ có hai trở ngại chính. Thứ nhất là khoảng cách giữa lượng cắt giảm khí thải cần thiết nhằm tránh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C và cắt giảm lượng khí nhà kính trong các cam kết trước hội nghị ở Paris. Về khoảng cách này, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ước tính thâm hụt là 12 tỷ tấn carbon dioxide tương đương một năm, tức hơn 20% tổng lượng khí thải trên thế giới.

Thứ hai, đó là tiêu chí đánh giá mức độ phát triển của mỗi nước. Tiêu chí này sẽ chỉ ra quốc gia nào phải hứng chịu chi phí kinh tế cho việc thực hiện các chính sách từ thỏa thuận tại Paris, cũng như các nước đã phát triển phải hỗ trợ bao nhiêu cả về tài chính lẫn kĩ thuật.

Tín hiệu lạc quan

Đề xuất đánh giá 5 năm một lần nhiều khả năng nhận được sự đồng thuận từ EU, Mỹ, Trung Quốc và các nước khác. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết ông sẽ nỗ lực hết sức mình để giúp thỏa thuận tại COP21 có thể bao gồm một điều khoản sửa đổi, đồng thời hy vọng các bên tham dự sẽ thể hiện sự chia sẻ các quan điểm và nhận thức cũng như tinh thần trách nhiệm nhằm tìm ra những giải pháp để cứu Trái Đất khỏi những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo thế giới đau đầu với 'mối đe dọa lớn hơn khủng bố'

Trong tuần tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tụ họp tại Paris để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mối đe dọa mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả “còn lớn hơn khủng bố”.

Pháp huy động 120.000 cảnh sát bảo vệ an ninh COP21

Pháp cấm biểu tình, khuyến cáo người dân không đi xe riêng, huy động 120.000 nhân viên an ninh bảo vệ cho Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris từ ngày 30/11.

Ánh Chi

Bạn có thể quan tâm