Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng làm việc với TP.HCM về giải ngân vốn đầu tư công

Là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chiều 27/11, Thủ tướng sẽ làm việc với UBND TP.HCM để tìm các giải pháp tháo gỡ.

Thủ tướng từng nhấn mạnh không để tình trạng có tiền mà không tiêu được. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngày 27/11, Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công... Trong chiều nay, Thủ tướng sẽ làm việc với UBND TP.HCM về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Trước đó, trong ngày 26/11, Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với các bộ ngành, 8 địa phương để thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 ngày 19/11, năm 2022 các lĩnh vực kinh tế của thành phố có mức tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,44% so với cùng kỳ (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra...

Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước TP cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm nay đã giải ngân đến ngày 31/10 là 11.418 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,5% tổng kế hoạch vốn giao. Đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31/1/2023), TP dự kiến giải ngân vốn là 28.753 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Riêng tháng 10, TP đã giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.552 tỷ đồng, tăng 13,9% so với tháng trước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

giai ngan von dau tu anh 1

Dự án xây mới Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được chấp thuận từ năm 2011 nhưng hơn 10 năm trôi qua vẫn không thể thực hiện do vướng quy hoạch. Ảnh: Duy Hiệu.

Lý giải việc giải ngân chậm, TP.HCM cho biết Covid-19 khiến quá trình chuẩn bị đầu tư thời gian qua bị ngưng trệ. Chưa kể xung đột chính trị, quân sự trên thế giới dẫn đến lạm phát, giá nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị tăng ảnh hưởng việc thành phố thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, TP cũng gặp nhiều vướng mắc về thẩm quyền, quy trình khi thực hiện dự án đầu tư công; khó khăn ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án...

Trước tình hình này, cuối tháng 10, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án nỗ lực hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các quận, huyện có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50% (quận 3, 6, 7, 11, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh; huyện: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn), Chủ tịch TP.HCM đề nghị địa phương tổ chức giao ban đầu tư công hàng tuần với các đơn vị liên quan; báo cáo thường trực quận, thành phố định kỳ 2 tuần/lần để kịp thời tháo gỡ.

Ngoài ra, các quận, huyện có tỷ lệ giải ngân trên 50% cũng duy trì chế độ giao ban đầu tư công định kỳ để đảm bảo tỉ lệ giải ngân đạt trên 95%.

Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục, kiểm soát các tình huống phát sinh để giải ngân các dự án khởi công dịp cuối năm, trong đó có dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; nút giao An Phú; xây dựng mở rộng quốc lộ 50…

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Những đại dự án bất động sản 'đắp chiếu' hơn thập kỷ ở TP.HCM

Dù còn nhiều nghi hoặc về chất lượng công trình sau nhiều năm bỏ hoang, một số siêu dự án vẫn có giá bán cao ngất ngưởng.

Nhiều dự án trên 200 tỷ đồng ở TP.HCM chưa giải ngân được

Do trục trặc hồ sơ, chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường ở các quận huyện... khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM có tỷ lệ rất thấp.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm