Tại cuộc họp kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM 7 tháng đầu năm diễn ra ngày 4/8, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM trong 7 tháng qua mới đạt 26% cả năm.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc nhà nước TP.HCM - cho biết tốc độ giải ngân chậm rơi vào các dự án bố trí vốn lớn trên 200 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân dưới 10%.
Các dự án chưa giải ngân được chủ yếu do Ban quản lý Dự án công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Đơn cử: Dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP được bố trí vốn 1.000 tỷ đồng từ năm 2019 nhưng do trục trặc hồ sơ đến nay công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 3 năm vẫn chưa được bố trí vốn.
Bên cạnh các dự án giải ngân 0%, ông Hải cũng chỉ ra nhiều dự án giải ngân dưới 10% như: Công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh; xây dựng nút giao thông An Phú...
Dự án | Số vốn | Số tiền giải ngân trong 7 tháng đầu năm |
Dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng thành phố | 1.000 tỷ đồng | 0 đồng |
Dự án cụm kinh tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) | 277 tỷ đồng | 0 đồng |
Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM | 305 tỷ đồng | 0 đồng |
Dự án Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch | 2.500 tỷ đồng | 0 đồng |
Công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh | 200 tỷ đồng | 9,3 tỷ đồng |
Nút giao thông An Phú | 375 tỷ đồng | 14 tỷ đồng |
Dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 1 | 1.990 tỷ đồng | 73 tỷ đồng |
Dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên | 1.039 tỷ đồng |
Theo ông Hải, hàng tháng, hàng quý, Kho bạc Nhà nước đều có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án. "Theo quy định trong 4 ngày làm việc kể từ ngày nghiệm thu, chủ đầu tư phải hoàn tất hồ sơ gửi Kho bạc nhưng văn bản đôn đốc gửi đi, mà hồ sơ gửi về rất ít", ông nói.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Trần Văn Bảy lý giải nguyên nhân giải ngân thấp do chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường, đặc biệt ở các quận, huyện.
Phó giám đốc Sở này cho biết thêm cơ quan phải tự rà soát các dự án đầu tư công của quận huyện và nhắc quận huyện khẩn trương trình hồ sơ thẩm định giá. Pháp lý dự án hoàn thiện rất chậm, khi đó không thể trình được hồ sơ. Quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá cũng rất khó khăn.
"Do việc này thù lao không nhiều mà trách nhiệm rất lớn, nên các đơn vị không mặn mà tham gia. Đặc biệt, ở những địa phương mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo thì việc này mới 'chạy' nhanh", ông dẫn thực trạng.
Theo ông Bảy, nhiều quận huyện đang làm việc này rất chậm, hồ sơ cũng không hoàn thiện nên sở phải trả đi trả lại mất thời gian. "Và sau khi đã có phê duyệt giá, nhiều địa phương trễ đến nửa năm đến một năm dẫn đến giá lạc hậu, người dân phản ứng. Lúc này cũng không có cơ sở pháp lý để thẩm định lại", ông nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu từ nay đến cuối năm các sở ngành phải có giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
"Thu ngân sách rất khả quan, nhưng chi đầu tư công rất đáng lo. Nếu không tháo gỡ được, giải ngân chậm thì không dẫn dắt được đầu tư xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển chung", ông Mãi nhấn mạnh.
Trong năm 2022, UBND TP.HCM giao và phân bổ kế hoạch vốn hơn 31.943 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương hơn 2.479 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 29.464 tỷ đồng.