Giá vật liệu leo thang, khó mua vật liệu xây dựng là những vấn đề nóng mà Chủ tịch UBND các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Quảng Nam cùng chia sẻ với Tổ công tác của Thủ tướng đốc thúc đầu tư công.
Nhà thầu càng làm càng lỗ
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương Giang cho biết nhiều dự án tại tỉnh này phải thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh chính sách về giá vật liệu xây dựng. Những tháng gần đây, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao. Trong khi đó, doanh nghiệp ký hợp đồng xây lắp trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định với địa phương. Giá tăng cao khiến nhà thầu không dám đẩy nhanh tiến độ, có tâm lý chờ đợi.
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết các nhà đầu tư sợ càng làm càng lỗ khi phải nhập nguyên vật liệu với giá cao hơn đơn giá khi ký hợp đồng. Vì vậy, sợ thiệt hại, nhà đầu tư chậm thi công theo hợp đồng, làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công.
Một dự án đầu tư công đang tiển khai. Ảnh: PN. |
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết không chỉ giá cả vật liệu xây dựng leo thang, tỉnh này còn đối mặt với việc khó mua vật liệu. Hầu hết tỉnh xung quanh đều thiếu vật liệu, nên khi các công trình thiếu đầu vào, Đà Nẵng cũng khó mua từ bên ngoài.
"Chúng tôi rất khó khăn về nguồn, không có hàng để mà mua, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình", ông Chinh nói.
Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương và Quảng Nam cho biết các địa phương đều gặp những vấn đề này. Đến nay, Hải Dương mới giải ngân được 16,88% kế hoạch; Bắc Ninh đạt 15,47%; Hà Nam đạt 13,67%; Đà Nẵng 15,39%; Quảng Nam đạt 17,6%. Đây là nhóm 5 tỉnh giải ngân thấp nhất cả nước hiện tại. Chưa kể, vốn ODA cấp cho các tỉnh này gần như chưa thể giải ngân.
TỶ LỆ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG | ||||||
Nhãn | Hà Nam | Bắc Ninh | Đà Nẵng | Hải Dương | Quảng Nam | |
Tỷ lệ | % | 13,67 | 15,2 | 15,39 | 16,88 | 17,6 |
Đại diện Vụ Kết cấu Hạ tầng và Đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng với vấn đề giá vật liệu tăng, giải pháp duy nhất là trình Thủ tướng có quyết định bù giá, như bài học năm 2009 từng làm. Tuy nhiên, nguồn tiền để bù giá vẫn là dấu hỏi lớn. Ngoài ra, thời gian để có thể cấp bù giá sẽ rất lâu, thậm chí sau khi quyết toán xong công trình.
Vị này cũng nhấn mạnh các địa phương cần yêu cầu các nhà thầu chấp hành hợp đồng đã ký, đảm bảo tiến độ thi công, không thể lấy lý do giá cả vật liệu tăng mà chậm trễ. Trong hợp đồng cũng đã tính toán khoản dự phòng tính toán để bù giá. Các địa phương có thể dùng khoản dự phòng này để hỗ trợ cho các nhà thầu.
Ma trận vướng mắc cho dự án
Ngoài vấn đề giá vật liệu xây dựng, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho rằng địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhiều thủ tục hành chính để giải ngân được hàng nghìn tỷ vốn đầu tư công.
Đó là trình tự thủ tục để triển khai dự án như thủ tục đầu tư, thỏa thuận đấu nối dự án giao thông, chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia... Mỗi quy trình thủ tục mất trung bình 30 ngày. Chỉ cần hoàn thành 3 quy trình đã mất đến 3 tháng.
Ngoài ra, ông Huy lấy ví dụ quy hoạch thì đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi qua tỉnh Hà Nam, nhưng quy hoạch ngành quốc gia vẫn chưa xong, nên quy hoạch xã, huyện trong tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành, bởi có thể phải điều chỉnh trong tương lai.
Ngoài ra, khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng. Để hoàn thành giải phóng mặt bằng một khu đất, nếu tính cả đến khi cưỡng chế, tái định cư thì có thể mất đến hơn 300 ngày. Các địa phương cũng khó khăn trong việc tính giá đất. Hiện quy định tính giá đất đang "vênh nhau" giữa thông tư của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu không tính được giá đất thì địa phương sẽ không có nguồn lực để triển khai dự án trong các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI. |
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công bình quân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36%, riêng khối các địa phương chỉ đạt 15,26% là chưa đạt yêu cầu. Một phần nguyên nhân các dự án mất rất nhiều thời gian làm thủ tục triển khai, đôi khi mất 6-8 tháng mới xong.
Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ người đứng đầu các địa phương không thực sự quyết liệt trong việc thực hiện.
"Trước hết lãnh đạo địa phương phải sâu sát, vì trong cùng một điều kiện, cùng một thể chế, có địa phương giải ngân rất cao, có nhiều cách làm hay. Vì vậy, địa phương nào có cách làm hay sẽ giải ngân rất cao. Còn cùng điều kiện mà chưa giải ngân cao thì vào cuộc chưa tốt", ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh chủ yếu đến từ nguyên nhân chủ quan, những vấn đề về cơ sở pháp lý, thủ tục, quy trình đã rất rõ ràng.
Hiện nhiệm vụ giải ngân vốn vào cuối năm nay được Thủ tướng giao cho các địa phương và bộ ngành là 100%. Sắp tới, Quốc hội cũng sẽ nghe đại diện Chính phủ báo cáo về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.