Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải ngân tối đa vốn đầu tư công nhưng không để xảy ra sai phạm

Đặt yêu cầu phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất, song Phó thủ tướng lưu ý không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm.

Tinh thần chỉ đạo trên được Phó thủ tướng Lê Văn Thành quán triệt khi chủ trì cuộc họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với một số bộ, cơ quan và địa phương.

Theo quyết định của Thủ tướng, ông Thành là Tổ trưởng Tổ công tác số 3, kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công tại 3 bộ, 5 cơ quan và 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Thi công ngày đêm để giải ngân tối đa vốn đầu tư công

Phó thủ tướng chia sẻ với bộ, ngành, địa phương về những khó khăn trong năm 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách kéo dài, các đoàn đi kiểm tra thực tế tại công trường cũng bị hạn chế. “Nhiều cuộc chúng tôi rất muốn đi thực tế nhưng rồi do dịch bệnh, phải giãn cách”, Phó thủ tướng chia sẻ.

Ông lưu ý tình trạng chậm trễ do công tác chuẩn bị dự án chưa được kỹ, khi có quyết định phân bổ vốn mới triển khai. “Đầu tư không phải một ngày, một tháng mà là cả quá trình”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh quá trình chuẩn bị các dự án hết sức quan trọng, cần rút kinh nghiệm để triển khai trong năm 2022.

Pho thu tuong doc thuc tien do giai ngan von dau tu cong anh 1

Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: VGP.

Nhắc đến tình trạng nhiều dự án đầu tư đã được phân bổ vốn, có mặt bằng, có công trình đang triển khai nhưng chưa tiêu hết vốn, Phó thủ tướng lưu ý trong lựa chọn nhà thầu có năng lực, thường xuyên kiểm tra tiến độ và kiên quyết xử lý vi phạm hợp đồng.

Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là đặc biệt quan trọng, gắn với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Phó thủ tướng đề cao tầm quan trọng của việc lãnh đạo, chỉ đạo của bộ, ngành, địa phương để giải ngân dứt điểm, khánh thành các công trình.

“Trên thực tế, có những công trình chỉ cần tập trung cao là đưa toàn bộ công trình vào sử dụng. Một tuyến cao tốc dài 100 km nhưng chỉ còn một cây cầu, hoặc còn một đoạn vài trăm mét mà không hoàn thành thì cũng không thể đưa vào khai thác được”, ông dẫn chứng.

Từ nay đến cuối năm, Phó thủ tướng yêu cầu phấn đấu giải ngân tới mức cao nhất. Các bộ ngành, địa phương với vai trò chủ đầu tư, phải rà soát lại dự án đầu tư đã được bố trí vốn, có nhà thầu thì tập trung đôn đốc, động viên huy động thiết bị, con người để tổ chức thi công ngày đêm trên công trường.

Nêu yêu cầu phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất, song Phó thủ tướng lưu ý không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm. “Quyết tâm để hoàn thành cao nhất kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm chất lượng, để sớm khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư”, ông nhấn mạnh.

Lãnh đạo địa phương cam kết giải ngân cao nhất

Trước đó, báo cáo Phó thủ tướng, ông Võ Văn Hoan (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cho biết kể từ cuộc họp lần trước do Thủ tướng chủ trì vào ngày 17/9, đến nay TP.HCM đã giải ngân thêm được khoảng 10%, tỷ lệ giải ngân đạt 42%.

Tự nhìn nhận tỷ lệ giải ngân tăng thêm được 10% trong 3 tháng là thấp, ông Hoan cho rằng nguyên nhân là giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, khiến các dự án phải dừng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; giá vật tư nguyên liệu, chi phí nhân công tăng.

Pho thu tuong doc thuc tien do giai ngan von dau tu cong anh 2

Lãnh đạo các địa phương báo cáo Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân và phấn đấu đến cuối năm 2021 giải ngân đạt 75,6%.

Cho biết đã đưa kết quả giải ngân là một chỉ tiêu để đánh giá cán bộ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cam kết năm nay sẽ nỗ lực hoàn thành giải ngân từ 96% đến 100%.

Chủ yếu giải ngân nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định sẽ quyết tâm hoàn thành khối lượng còn lại để quý I/2022 bàn giao mặt bằng cho triển khai giai đoạn 1 của dự án đặc biệt quan trọng này.

Lắng nghe ý kiến, Phó thủ tướng lưu ý từ nay đến cuối năm chỉ còn 15 ngày, các địa phương làm việc với nhà thầu để giải ngân đối với khối lượng đã hoàn thành.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với 12 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra, tính đến 30/11/2021 giải ngân được gần 28.000/hơn 76.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,48%.

Tại cuộc họp một số ý kiến đề nghị cho phép kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng việc chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ luật đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước. Trường hợp bất khả kháng Chính phủ phải báo cáo thường vụ Quốc hội để xem xét quyết định.

Thách thức giải ngân vốn khi tung ra gói hỗ trợ kinh tế mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết một trong những vấn đề quan trọng để đưa ra gói hỗ trợ kinh tế mới là khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Hiện tại, rất nhiều dự án chậm giải ngân.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm