11 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM chỉ đạt khoảng 60% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao. Trong khi đó, mục tiêu ban đầu của TP là giải ngân 80% vốn đầu tư công trong tháng 10. Chỉ còn 26 ngày nữa là hết năm 2020, con số 42.000 tỷ đồng vốn đầu tư công mà thành phố đặt ra từ đầu năm khả năng khó hoàn thành.
Dù số vốn giải ngân của TP.HCM lớn gấp 235 lần và tỷ lệ giải ngân tăng gấp 1,89 lần so với cùng kỳ, thế nhưng, so với yêu cầu của Chính phủ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM vẫn chưa đạt.
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là vấn đề còn tồn tại của thành phố mặc dù các cấp đã làm rất quyết liệt.
"Đây là vấn đề mà năm 2021 chúng ta phải làm nghiêm túc một lần nữa, trách nhiệm của tập thể, cá nhân như thế nào. Không thì vấn đề này cứ nói mãi, không biết ai chịu trách nhiệm", ông Nhân chỉ ra lỗ hổng.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lý giải giải ngân vốn đầu tư công chậm là điểm nghẽn ở nhiều dự án.
"Tỷ lệ giải ngân chậm hiện nay chủ yếu tập trung ở vốn ODA", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giải thích tại hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố. Ông Phong cho biết tỷ lệ giải ngân vốn ODA của cả nước hiện rất chậm, chỉ khoảng 40% kế hoạch. Tại TP.HCM, tình trạng cũng tương tự.
Vốn ODA của dự án metro là nguyên nhân chính khiến TP giải ngân chậm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chủ tịch nhấn mạnh điểm nghẽn chính trong giải ngân vốn ODA của thành phố là ở dự án metro. Ông Phong nhắc lại thành phố đã nhiều lần làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và các bộ, ngành về vướng mắc giữa tỷ lệ tiền đồng Việt Nam và đồng Yen Nhật trong vốn ODA của tuyến metro.
"Chỉ cần bỏ qua điểm nghẽn này thì tỷ lệ giải ngân sẽ tăng lên", ông Phong nhắc lại nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà. Đồng thời, Chủ tịch chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Chính phủ về tình hình khó khăn này để tránh vi phạm cam kết của TP với Chính phủ về tỷ lệ giải ngân.
Vị chủ tịch nhấn mạnh tình hình giải ngân hiện nay tập trung lớn ở 2 đơn vị là Ban quản lý Xây dựng các công trình giao thông và Ban quản lý Đường sắt Đô thị. Nếu hai đơn vị này chuyển động, tỷ lệ giải ngân sẽ tăng lên.