Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Đã giải ngân 33.500 tỷ đồng gói phục hồi kinh tế

Đại biểu Quốc hội đề nghị được giải thích về số liệu 33.500 tỷ đồng giải ngân gói phục hồi kinh tế - xã hội chênh lệch 11.500 tỷ đồng so với báo cáo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 9/6, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh có báo cáo về tiến độ thực hiện gói phục hồi kinh tế - xã hội, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Vì sao số liệu giải ngân chênh lệch?

Theo Phó thủ tướng, đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; 3 Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Đồng thời, Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể. Phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cơ bản hoàn thành.

giai ngan goi phuc hoi kinh te xa hoi anh 1

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước phiên chất vấn của Quốc hội chiều 9/6. Ảnh: Hồng Phong.

Về kết quả, đến hết tháng 5, Chính phủ đã giải ngân khoảng 33.000 tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế - xã hội.

Trong đó, 22.600 tỷ đồng dành cho việc miễn, giảm thuế, đạt khoảng 35% kế hoạch. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình. Các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.400 người.

Liên quan đến số liệu trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đăng ký tranh luận và cho biết vào ngày 2/6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã nói đến hết tháng 5, Chính phủ giải ngân được 22.000 tỷ đồng trong tổng số 300.000 tỷ trong gói phục hồi kinh tế, nhưng số liệu mà Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra lại là 33.500 tỷ đồng.

"Như vậy, cùng một thời điểm tính toán, số liệu giải ngân chênh nhau 11.500 tỷ đồng. Vậy đâu là kết quả chính xác mà Chính phủ đạt được?", bà Mai đặt câu hỏi.

Trả lời, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết ông chưa đối chiếu với số liệu của Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhưng việc này cần có sự đối chiếu trực tiếp từ các cơ quan là Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài Chính. Đây là các đơn vị trực tiếp tổng hợp số liệu về giải ngân.

Dù vậy, Phó thủ tướng thừa nhận báo cáo của từng thời kỳ có lúc khác nhau, đây là vấn đề từng được nêu trong nhiều cuộc họp của Chính phủ.

Thực tế, số liệu giải ngân được Bộ Tài chính tổng hợp dựa trên cơ sở các nguồn đã được quyết toán từ Kho bạc Nhà nước. Vì vậy, báo cáo của các tỉnh, thành phố và các dự án mang tính thực tế thì luôn có sự chênh lệch này.

"Tôi sẽ cho kiểm tra và đối chiếu lại số liệu", Phó thủ tướng nói.

2.000 vấn đề làm chậm giải ngân vốn đầu tư công

Liên quan câu hỏi của đại biểu về vướng mắc của luật pháp, thể chế khi thực hiện giải ngân các gói đầu tư công cũng như các gói phục hồi, ông cho biết Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại thể chế, xem vướng mắc gì làm chậm giải ngân.

Sau khi tổ công tác yêu cầu tất cả bộ, ngành và địa phương báo cáo, số liệu tổng hợp cho thấy có khoảng 2.000 vấn đề làm chậm giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó 60-70% là các vấn đề do chưa hiểu hết các quy định, thủ tục.

Sau đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố để giải thích về các quy định này. Còn những vấn đề liên quan đến thẩm quyền, Chính phủ sẽ tập hợp lại để điều chỉnh.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội nhận được 266 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn, trong đó 131 đại biểu thực hiện quyền chất vấn. Trong đó, 34 đại biểu đã đặt câu hỏi với Phó thủ tướng, 28 đại biểu tiến hành tranh luận làm rõ hơn những vấn đề quan tâm.

Với các đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian thực hiện chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi đến Thủ tướng và thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành giao thông hiện không ai dám làm sai

"Tôi khẳng định giao thông là ngành quy hoạch hạ tầng, tư duy lâu dài, công trình mang tính liên vùng đột phá nên không tồn tại tư duy nhiệm kỳ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đại biểu nhắc Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về lời hứa dỡ trạm thu phí BOT

Trước chất vấn của đại biểu về dự án BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ trưởng GTVT cho biết dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến trạm kéo dài thời gian thu phí khi sắp kết thúc.

Mỹ Hà - Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm