Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Xả trạm thu phí của VEC nếu không lắp ETC

"Đối với các trạm của VEC, đến 30/7 mà không triển khai xong việc lắp đặt ETC thì cho xả trạm", Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Sáng 9/6, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận được 52 đăng ký đặt câu hỏi chất vấn của đại biểu về các vấn đề hạ tầng giao thông, thu phí không dừng.

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn ĐBQH Bình Thuận, chất vấn việc triển khai thu phí không dừng trên cả nước chậm trễ nhiều năm. Sau nhiều lần gia hạn của Bộ GTVT thì đến nay vẫn chưa hoàn thành. Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu xả trạm với các trạm thu phí chưa lắp đặt ETC từ 30/7, việc này có thực hiện được không?

Nguyên nhân chậm triển khai thu phí không dừng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc triển khai thu phí không dừng đã bắt đầu từ năm 2015 để tạo thuận lợi và minh bạch trong việc thu phí. Tuy nhiên, vì công nghệ rất mới nên phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân đầu tiên được Bộ trưởng Thể chỉ ra là do thói quen của người dân, việc dán thẻ ETC rất hạn chế. Ngoài ra, có vấn đề về công nghệ, sai sót kỹ thuật phải điều chỉnh.

Sau nhiều năm, đặc biệt là từ khi triển khai thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cả nước đến nay có 3,2 triệu xe dán thẻ ETC trên tổng số hơn 4 triệu ôtô, chiếm 69%.

Năm 2017, Quốc hội đã giao nhiệm vụ đến năm 2019 phải triển khai xong thu phí không dừng. Nhưng với số lượng trạm BOT nhiều, các đơn vị không đáp ứng kịp.

Bo truong GTVT tra loi chat van anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 9/6. Ảnh: Hồng Phong.

Đến năm 2019, cơ bản các trạm trên cả nước đã có làn ETC. Riêng trạm thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn chưa có do vướng mắc về tái cơ cấu.

“Hai ngày trước, VEC đã ký hợp đồng tín dụng để triển khai nốt hạng mục thu phí ETC. Theo tiến độ chúng tôi nắm thì cơ bản đảm bảo”, ông Thể nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định Chính phủ đang rất cương quyết, đến 30/6 các trạm thu phí phải lắp đủ làn ETC, chỉ để lại một làn hỗn hợp mỗi trạm. Trạm nào không triển khai xong thì sẽ dừng thu phí.

"Đối với các trạm của VEC, đến 30/7 mà không triển khai xong thì cho xả trạm", Bộ trưởng Thể khẳng định.

VEC hiện quản lý 4 tuyến cao tốc gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đến nay mới có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được triển khai thu phí ETC, 3 tuyến còn lại vẫn đang chờ kinh phí.

Khan hiếm nguyên vật liệu cục bộ

Trả lời câu hỏi về việc khan hiếm cục bộ nguyên vật liệu tại các dự án giao thông đường bộ khiến nhà thầu gặp khó khăn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ảnh hưởng biến động xăng dầu và chiến sự Nga - Ukraine nên vật giá tăng. Trước tình hình này, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và Bộ Xây đựng đã tổ chức 7 đoàn đi kiểm tra công trường.

Hiện, 37 địa phương thông báo giá nguyên vật liệu một lần hàng tháng; các tỉnh, thành còn lại thông báo 3 tháng một lần. Trước tình hình giá vật liệu biến động, ông Thể đề nghị địa phương tập trung làm đúng quy định mỗi tháng thông báo một lần để cập nhật tình hình giá.

Bo truong GTVT tra loi chat van anh 2

Tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 là thông tin được đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Ngọc Tân.

“Thực tế là giá biến động nhanh trong khi cơ chế vận hành chậm nên ảnh hưởng đến nhà đầu tư và nhà thầu. Chúng tôi mong muốn nửa tháng thông báo một lần, nhưng vật tư biến động, sẽ áp lực cho Sở Tài chính các địa phương”, ông Thể nói và cho biết xử lý triệt để việc này rất khó vì giá nguyên vật liệu tăng do ảnh hưởng chung.

Về vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải, Bộ trưởng GTVT cho biết đã phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và Tổng cục Đường bộ cùng các sở giao thông tăng cường kiểm tra giám sát.

Ông Thể cho biết có một thực tế là những xe quá khổ, quá tải và xe hết niên hạn sử dụng thường hoạt động trong phạm vi hẹp ở các địa phương, cự ly ngắn để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của thanh tra giao thông. Do đó, ông đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát các công trường, mỏ, có tập kết vật tư hàng hóa. Vì khi đăng kiểm, nhiều tài xế đăng ký thùng đúng hạn, nhưng sau đó họ thay thùng, hoạt động trong phạm vi hẹp. Vì vậy, Bộ trưởng GTVT mong có sự phối hợp của ban an toàn giao thông các tỉnh để thực hiện được nhiệm vụ này tốt hơn.

Một số dự án có biểu hiện thất thoát

Trước phiên trả lời chất vấn, Bộ GTVT đã gửi báo cáo giải trình cho đại biểu Quốc hội, nêu sơ bộ tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm như 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 và 12 dự án giai đoạn 2021-2025. Tiến độ sân bay Long Thành, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội...

Ngoài những dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng GTVT thừa nhận một số dự án giao thông chậm tiến độ, chất lượng có vấn đề và có biểu hiện thất thoát, lãng phí và nhiều dự án BOT có vướng mắc. Bộ GTVT đã nghiêm túc tiếp thu, nhận những hạn chế, khuyết điểm này.

Cụ thể, trong 4 năm qua, Bộ GTVT đã rà soát tổng thể 70 trạm thu phí BOT và nhận thấy 21 trạm thu phí còn tồn tại bất cập. Đối với các trạm thu phí BOT chưa được thu phí hoặc bị vỡ phương án tài chính, Bộ GTVT đã đưa ra phương án sử dụng vốn Nhà nước thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Bộ GTVT cũng để ngỏ khả năng đề xuất lộ trình tăng phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT nhưng không gây tác động nhiều đến chi phí vận chuyển hàng hóa và chính sách điều tiết nền kinh tế.

Đối với tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT khẳng định trong năm 2022 sẽ có thêm 4 dự án thành phần về đích gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. 6 dự án còn lại sẽ về đích trong năm 2023 và 2024.

Về tiến độ sân bay Long Thành, Bộ GTVT cho biết tường rào ranh giới của toàn bộ dự án chưa được xây dựng, việc giải phóng mặt bằng còn "xôi đỗ" dẫn đến khó khăn trong việc san nền. Bộ GTVT đã thành lập ban chỉ đạo do một thứ trưởng làm trưởng ban để đôn đốc tiến độ dự án.

Chủ đầu tư cao tốc 34.500 tỷ đồng chây ì sửa đường cho dân

Tuyến cao tốc 34.500 tỷ đồng đi vào hoạt động hơn 3 năm nay, nhưng những tồn tại ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Các trạm BOT gây bức xúc đã được xử lý thế nào?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ giải trình trước Quốc hội về kết quả xử lý bất cập tồn tại nhiều năm qua tại các trạm thu phí BOT giao thông.

Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án cao tốc

Xúc tiến đầu tư từ năm 2019, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam có thời hạn hoàn thành khác nhau. Riêng 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo phải chờ đến năm 2024 mới về đích.

Ngọc Tân - Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm