Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án cao tốc

Xúc tiến đầu tư từ năm 2019, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam có thời hạn hoàn thành khác nhau. Riêng 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo phải chờ đến năm 2024 mới về đích.

Sau 3 năm triển khai đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, kỳ họp Quốc hội thứ 3 là dịp để các đại biểu chất vấn lãnh đạo Bộ GTVT về kết quả triển khai 654 km đường cao tốc này.

Với duy nhất một dự án về đích là Cao Bồ - Mai Sơn, Bộ GTVT phải giải trình với Quốc hội về nguyên nhân chậm trễ của 10 dự án còn lại.

11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 654 km, đều được xúc tiến đầu tư vào tháng 5/2019 với những phương thức đầu tư khác nhau. Mỗi dự án lại trải qua những khó khăn, vướng mắc riêng, dẫn đến kết cục không thể về đích cùng thời điểm.

tien do cao toc Bac - Nam anh 1

Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 được đặt thời hạn hoàn thành vào cuối năm 2022. Ảnh: Ngọc Tân.

Trong báo cáo giải trình gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT cho biết dự án Cao Bồ - Mai Sơn nối Nam Định với Ninh Bình là dự án đầu tiên hoàn thành trong số 11 dự án giai đoạn 2017-2020. Ngày 4/2, dự án chính thức được thông xe.

Trong 10 dự án còn lại, Bộ GTVT nhận định 4 dự án đã đạt 58,3% giá trị hợp đồng, có thể hoàn thành năm 2022 là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

4 dự án khác đạt 37,6% giá trị hợp đồng, có kế hoạch hoàn thành năm 2023 là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2.

Đặc biệt, 2 dự án phải lùi tiến độ đến năm 2024 là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Sản lượng trung bình 2 dự án này mới đạt 9,2%.

Bộ GTVT đã tổng hợp nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ gồm có sự hạn chế về năng lực của một số ban quản lý dự án và nhà thầu. Trong đó, giá nguyên vật liệu biến động kèm những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh cũng là nguyên nhân khiến dự án kéo dài thời gian.

Ngoài ra, thủ tục cấp phép của địa phương còn phức tạp khiến nhà thầu khó khai thác nguồn nguyên vật liệu tại chỗ.

Giải pháp của Chính phủ và Bộ GTVT là yêu cầu các địa phương giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà thầu khai thác vật liệu đắp nền đường; chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định.

Bộ GTVT chỉ đạo ban quản lý dự án đẩy nhanh khâu nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn tài chính cho nhà thầu; đồng thời, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm bằng những hình thức như cảnh cáo, cắt chuyển khối lượng thi công... vi phạm nghiêm trọng thì chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu từ 3 đến 5 năm với các dự án do Bộ GTVT quản lý.

Sau những khó khăn, thất bại của giai đoạn 2017-2020, Bộ GTVT một lần nữa đặt mục tiêu "xúc tiến đồng loạt", "về đích đồng loạt" với 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Thời hạn thi công của các dự án được xác định trong 3 năm, khởi công từ tháng 11/2022 đồng loạt về đích vào cuối năm 2025.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá việc triển khai cùng lúc 12 dự án thành phần trong 3 năm tới là một công việc cực kỳ nan giải với Bộ GTVT.

Tháng 11/2017, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Với nhu cầu vốn cho 11 dự án là 118.716 tỷ đồng, Quốc hội chỉ bố trí ngân sách 55.000 tỷ đồng. 8/11 dự án phải đầu tư PPP.

Quá trình xúc tiến đầu tư 8 dự án theo phương thức PPP sau đó đã thất bại. Bộ GTVT tốn nhiều thời gian chuyển 5 dự án sang phương thức đầu tư công.

Đến nay, chỉ còn 3 dự án được duy trì phương thức đầu tư PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các dự án này cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu huy động vốn tín dụng.

Bài liên quan

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm