Sáng 9/6, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận được 52 đăng ký đặt câu hỏi chất vấn của các đại biểu về tiến độ các dự án cao tốc, bất cập của BOT giao thông... Trong đó, dự án BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài nhận được sự quan tâm khi đây là dự án gây bức xúc thời gian dài.
Dự án gây bức xúc
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nhắc lại lời hứa cách đây 2 năm của Bộ trưởng GTVT về việc dỡ bỏ trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Ông Hiếu nói hơn 2 năm trước từng kiến nghị Bộ GTVT dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thuộc dự án BOT quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên. Trạm thu phí này gây rất nhiều bức xúc cho người dân bởi vị trí đặt không đúng.
Ngày 22/4/2020, ông Hiếu nhận được trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Theo đó, bộ trưởng khẳng định dự án BOT quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên đang trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thu phí hoàn vốn.
"Đến giờ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn hoạt động. Xin hỏi bộ trưởng bao giờ trạm thu phí gây bất cập này sẽ chính thức được dỡ bỏ?", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn.
Vị trí đặt trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài gây bức xúc vì ở ngoài phạm vi dự án. Đồ họa: Minh Trí. |
Bộ trưởng GTVT thừa nhận trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài gây nhiều bức xúc tại Hà Nội. Bộ GTVT cũng đã có những phương án kết thúc trạm BOT này.
"Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thời điểm tôi trả lời đại biểu thì nó sắp xong rồi, nhưng sau đó là giai đoạn dịch bệnh Covid-19, có thời điểm gần như không có xe đi trên đường khiến doanh thu BOT sụt giảm", ông Thể trình bày.
Lãnh đạo Bộ GTVT nêu nguyên tắc ứng xử với BOT theo hợp đồng là khi doanh thu tăng thì có thể giảm thời gian thu phí 3-5 năm. Còn dự án gặp khó khăn vướng mắc doanh thu thì cũng phải điều chỉnh thời gian để đảm bảo hài hòa.
"Chúng tôi tiếp thu, xem xét, làm sao đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư và người dân. Chúng tôi là cơ quan quản lý, chẳng có quyền lợi gì trong việc này, nhưng phải giám sát làm sao để người dân không thiệt và nhà đầu tư thực hiện đúng theo hợp đồng", Bộ trưởng GTVT nói thêm.
Cũng liên quan dự án này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) cung cấp thông tin về việc có một nhóm phản đối dự án đang hoạt động trên mạng và cả ở địa bàn, gây phức tạp và mất an ninh trật tự. Do đó, ông đề nghị Bộ trưởng GTVT thông tin rõ việc rà soát BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài sẽ kéo dài đến khi nào để người dân nắm được.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết với dự án BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài có 2 giải pháp. Một là cho nhà đầu tư tiếp tục thu phí để thu hồi đủ vốn và sau đó đóng trạm. Giải pháp thứ 2 là Nhà nước phải mua lại một phần dự án theo hợp đồng đã ký, ưu điểm là có thể kết thúc ngay việc thu phí.
Thông tin thêm, ông Thể cho hay 4 năm qua, Bộ GTVT đã rà soát tổng thể 70 trạm thu phí BOT và nhận thấy 21 trạm thu phí còn tồn tại bất cập, được phân thành 4 nhóm.
Trong đó, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài được xếp vào nhóm các trạm thu phí gây bức xúc vì đặt ngoài phạm vi dự án. Với những trạm Bộ GTVT có thể xử lý theo thẩm quyền như di dời vị trí trạm, điều chỉnh giá… thì bộ đều đã thực hiện, qua đó giải quyết được vấn đề của 14 trạm BOT.
"Còn những trạm đang trình xin ý kiến Quốc hội như Bắc Thăng Long - Nội Bài, nếu không có nguồn lực thì không giải quyết được", lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Chưa phát hiện lợi ích nhóm khi triển khai BOT
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi về việc có lợi ích nhóm khi thực hiện các dự án BOT giao thông hay không.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đây là dự án nhạy cảm, liên quan người dân, do đó được Bộ Công an quan tâm.
“Chúng tôi chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan Nhà nước với nhà đầu tư, vì nhà đầu tư hầu như độc lập toàn bộ. Còn nếu có vấn đề gì bên trong thì cá nhân nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, mà tôi cho rằng chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 9/6. Ảnh: Hồng Phong. |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn Hòa Bình) dẫn lại phát ngôn của Bộ trưởng GTVT yêu cầu đến ngày 31/7 nếu không triển khai được thu phí không dừng thì sẽ xả trạm. Bà Hà đặt câu hỏi về quy định pháp lý nào để đưa ra quyết định xả trạm này và nếu việc xả trạm gây thất thoát tiền ngân sách Nhà nước, ai sẽ chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng GTVT trả lời vừa qua, việc vận hành của VEC vướng phương án tài chính và cơ chế nhưng trong kỳ họp này, Quốc hội đã giải quyết được phương án cho VEC. Vì vậy, sắp tới, phương án tài chính của VEC cũng như phương án triển khai cam kết là vấn đề thỏa thuận.
“VEC cam kết 31/7 là xong, do đó chúng tôi không phải căn cứ theo quy định nào để cưỡng chế cả, nhưng trạm nào không xong thì xả, trạm nào xong thì thu bình thường”, ông Thể nói và khẳng định các thiết bị đã được nhập và hợp đồng tín dụng cũng đã ký xong, có thể lắp đặt ngay trong tháng 6 và 7.
Với các trạm còn lại, ông cho biết tiến độ cơ bản xong. Đến 30/6, các trạm có đủ các làn thu phí, một số trạm có làn ở 2 bên để xử lý tình huống khẩn cấp, ưu tiên; còn lại các làn khác sử dụng thu phí không dừng.