Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) mới đây đã có đề xuất với UBND tỉnh Phú Yên về việc đầu tư 2 dự án, bao gồm cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm tại địa bàn tỉnh.
Trong đó, hai dự án có tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng. Hòa Phát cho biết cả 2 dự án sẽ được hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng. Khi đi vào vận hành, tổ hợp các dự án sẽ đóng góp khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách tỉnh Phú Yên và giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động địa phương.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, mục tiêu đầu tư công nghiệp, cảng biển là phù hợp với danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các dự án quy mô lớn sẽ tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển trong thời gian đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã Đông Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã giao các ngành chức năng liên quan hỗ trợ, tạo các điều kiện tốt nhất để Hòa Phát tìm hiểu, khảo sát khu vực đề xuất. Tuy nhiên, ông lưu ý, dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch và đảm bảo bảo vệ môi trường.
Hòa Phát dự kiến đầu tư 120.000 tỷ đồng vào tỉnh Phú Yên thông qua 2 dự án bao gồm cảng biển và khu công nghiệp. Ảnh: Shutterstock. |
Không riêng Phú Yên, thời gian gần đây, Hòa Phát cũng liên tục đề xuất đầu tư tại nhiều địa phương, như Quảng Trị với dự án phát triển cảng biển, cảng nước sâu và xây dựng nhà máy thép tại Khu kinh tế Đông Nam; tỉnh Thừa Thiên - Huế với dự án khu đô thị; đề xuất xây dựng cụm dự án Alumin công suất 2 triệu tấn/năm và nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm tại tỉnh Đắk Nông…
Mới nhất, Hòa Phát đã đề xuất và được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với quy mô 216 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.682 tỷ đồng.
Chia sẻ tại phiên họp cổ đông hồi tháng 5 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cho biết tập đoàn này đặt mục tiêu vào nhóm 3 công ty bất động sản lớn nhất thị trường và đang tích cực triển khai các dự án để tiến tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, Hòa Phát không đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập dự án như thị trường vẫn làm.
“Chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long nhấn mạnh.
Hiện lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án nhà ở, khu đô thị.
Tập đoàn này đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Phố Nối A (688,94 ha), Khu công nghiệp Yên Mỹ II giai đoạn 1 (97,5 ha) đều tại Hưng Yên và Khu công nghiệp Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha).
Năm 2021, doanh thu từ mảng bất động sản khu công nghiệp của Hòa Phát đạt gần 980 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2020. Năm nay, Hòa Phát dự kiến thu về trên 1.600 tỷ đồng từ lĩnh vực bất động sản, trong đó riêng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp dự kiến là 1.500 tỷ đồng.