Người dân ôm nhau sau vụ xả súng tại nhà hát Bataclan ở thành phố Paris vào đêm 13/11. Ảnh: AP. |
Những vụ tấn công liên hoàn ở thành phố Paris hôm 13/11 khiến ít nhất 129 người chết đã dẫn tới một cuộc tranh luận ở Đức về chủ trương tiếp nhận người di cư của Thủ tướng Angela Merkel và cách thu thập thông tin tình báo hiệu quả hơn về những người vào nước Đức, Reuters đưa tin.
Một tay súng thiệt mạng tại hiện trường vụ khủng bố ở Paris mang hộ chiếu Syria. Anh ta vượt qua Hy Lạp để sang Pháp hồi tháng 10, một bộ trưởng Hy Lạp cho biết. Nhà chức trách cũng tình nghi một kẻ tấn công khác sang châu Âu theo con đường tương tự.
"Thời kỳ di cư không kiểm soát và xâm nhập lãnh thổ trái phép không thể tiếp tục như hiện nay. Thảm kịch Paris đã thay đổi mọi thứ", ông Markus Soeder, Bộ trưởng Tài chính bang Bavaria, nói với báo Welt am Sonntag.
Trước đó ông Horst Seehofer, Thủ hiến bang Bavaria và cũng là thủ lĩnh của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), kêu gọi chính phủ bảo vệ biên giới Đức chặt chẽ hơn và hối thúc Liên minh châu Âu siết chặt hoạt động kiểm soát những biên giới bên ngoài. CSU là đồng minh của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) do bà Merkel lãnh đạo.
"CSU ủng hộ Thủ tướng, nhưng tình hình sẽ trở nên khả quan hơn nếu Angela Merkel thừa nhận rằng mở biên giới trong giai đoạn không giới hạn là một sai lầm", Soeder bình luận.
Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere và Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel đều khuyên mọi người không nên vội vàng đổ lỗi cho người di cư về những vụ tấn công. Một số quan chức nhận định Merkel sẽ không thấy bất kỳ lý do hợp lý nào để thay đổi quan điểm của bà đối với người tị nạn sau những vụ khủng bố ở Paris.
Nhưng người đứng đầu cơ quan tình báo trong nước của Đức cảnh báo rằng chính sách cởi mở với người di cư của chính phủ có thể mang tới những hiểm họa, đồng thời kêu gọi chính phủ đề ra những thủ tục để kiểm soát sự di chuyển của hàng nghìn người tị nạn vào Đức. Ông nhấn mạnh rằng những kẻ cực đoan có thể tận dụng tình hình di cư hỗn loạn để xâm nhập lãnh thổ Đức.
Mặc dù cảnh sát Đức kiểm tra hộ chiếu của những người nhập cảnh, hàng nghìn người di cư đã vào lãnh thổ Đức mà không phải trải qua khâu kiểm tra hộ chiếu.