Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 10/10, tại Thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc.
Phát biểu tại các sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN với các đối tác, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 27, Lãnh đạo các nước đánh giá cao những tiến triển tích cực và liên tục trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đặc biệt từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2021.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 15 năm, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 vào ASEAN với tổng vốn 17,3 tỷ USD.
Các lãnh đạo hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0, tạo điều kiện tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng khu vực.
Các lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần tăng cường mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai…
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định tiếp tục ưu tiên phát triển và tăng cường kết nối chặt chẽ giữa các nền kinh tế khu vực, triển khai hiệu quả ACFTA và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy các dự án kết nối giao thông và vận tải đa phương thức nhằm gia tăng giao thương, dịch vụ, du lịch và giao lưu nhân dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho các nước, và đóng góp tích cực cho thịnh vượng và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục dành thêm học bổng cho sinh viên ASEAN, thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết, tin cậy, làm nền tảng quan trọng cho quan hệ tiếp tục phát triển bền vững.
Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh nỗ lực sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển thực chất, hiệu quả, sâu rộng, mang lại lợi ích tích cực cho các bên, đồng thời nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động, dẫn dắt tăng trưởng và phát triển của khu vực và thế giới.
Định hướng tương lai quan hệ, Thủ tướng đề nghị ASEAN và Trung Quốc hơn bao giờ hết cần nâng cao tự cường, thúc đẩy gắn bó và kết nối chặt chẽ, toàn diện, bao trùm, theo đó cần đẩy mạnh kết nối chiến lược, nhất là hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kết nối giao thương thông suốt, kết nối chặt chẽ hơn với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nhất là kết nối mềm về hải quan thông minh, đồng thời tận dụng tốt những thành tựu khoa học-công nghệ, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Đánh giá cao Năm giao lưu nhân dân ASEAN-Trung Quốc 2024 với nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp người dân hai bên hiểu nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn, thân nhau hơn, tin nhau hơn và đi lại nhiều hơn, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động kết nối, giao lưu nhân dân, góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc, không ngừng vun đắp tình cảm láng giềng hữu nghị, hợp tác và phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Trung Quốc.
Nhấn mạnh cần thúc đẩy tầm nhìn hòa bình và an ninh, chung vai gánh vác trách nhiệm đối với hòa bình, gìn giữ môi trường hòa bình để hợp tác và phát triển, Thủ tướng mong ASEAN và Trung Quốc sẽ kết nối lập trường, quan điểm, củng cố tăng cường tin cậy chính trị hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực, trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và ổn định, tăng cường đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực, trong đó có Biển Đông, đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững lâu dài, sớm kết thúc đàm phán COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc thông qua các tuyên bố chung về làm sâu sắc hợp tác giao lưu nhân dân, hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp ACFTA, phát triển nông nghiệp thông minh, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái số bền vững và bao trùm, chống lừa đảo trực tuyến và đánh bạc trên mạng.
Việt Nam thể hiện tốt vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 25 nhất trí thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Hàn Quốc, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ (1989-2024).
Các lãnh đạo đều nhấn mạnh việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thể hiện mức độ gắn kết cao và chặt chẽ của quan hệ cũng như kết quả tích cực của hợp tác sâu rộng giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 196,64 tỷ USD và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 6 vào ASEAN đạt 11 tỷ USD trong năm 2023. Các lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Sáng kiến Đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc (KASI) nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác hai bên.
Ngoài hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, đẩy mạnh giao thương, kết nối doanh nghiệp, giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục, du lịch, hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai...
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chia sẻ đánh giá những tiến triển vượt bậc đạt được trong quan hệ ASEAN-Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực trong 35 năm qua, trong đó tổng kim ngạch thương mại tăng gấp 23 lần, đầu tư tăng 80 lần và giao lưu nhân dân tăng 37 lần.
Tổng thống Hàn Quốc khẳng định tiếp tục dành ưu tiên tăng cường hơn nữa đoàn kết và hợp tác với các nước ASEAN, ứng phó và xử lý hiệu quả các thách thức về an ninh, kinh tế, biến đổi khí hậu..., đồng thời tăng đầu tư nguồn lực hợp tác với ASEAN về thành phố thông minh, chuyển đổi số, nghiên cứu chung, đào tạo các chuyên gia về công nghệ và trí tuệ nhân tạo với kế hoạch đào tạo 40.000 sinh viên.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng với việc ASEAN và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ và trong khi Việt Nam giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc (2021-2024).
Thủ tướng đề nghị 3 định hướng triển khai quan hệ ASEAN-Hàn Quốc tương xứng với tầm mức mới.
Trước hết, đóng góp trách nhiệm hơn cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, Thủ tướng hoan nghênh Hàn Quốc tiếp tục tích cực ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông cũng như nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. ASEAN sẵn sàng phối hợp, thúc đẩy các bên liên quan tăng cường đối thoại, hướng đến hoà bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên phi vũ khí hạt nhân.
Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác kinh tế, trọng tâm là kết nối các nền kinh tế, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục, đào tạo. Trong đó, hợp tác thương mại và đầu tư cần phát triển theo hướng cân bằng hơn, bền vững hơn, tận dụng tốt hơn Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời thúc đẩy ký kết các văn kiện chung, tạo cơ chế hợp tác thông thoáng, thuận lợi, mở cửa thị trường lớn hơn cho nhau, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác văn hóa, du lịch, và giáo dục đào tạo.
Ba là, hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, toàn diện và phát triển bền vững, nhất là đối với các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần cùng mở ra những chân trời hợp tác mới có ý nghĩa chiến lược như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật..., đồng thời tiếp tục thúc đẩy Đối tác Mekong-Hàn Quốc, đóng góp tích cực cho các nỗ lực phát triển tiểu vùng, bảo đảm tăng trưởng bao trùm, thu hẹp khoảng cách và phát triển đồng đều, bền vững tại khu vực.
Những cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là chủ biên, tác giả của nhiều đầu sách lý luận chính trị, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công an nhân dân, 125 câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công an nhân dân, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân - Giá trị lý luận và thực tiễn, Tham nhũng và hoạt động của Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là một số tác phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhân sự lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn
Bà Hoàng Thu Trang sinh năm 1975, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn, được Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2021-2026.
Tiểu sử tân Bí thư Trung ương Đảng Trần Lưu Quang
Ngày 23/1, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung vào Ban Bí thư khóa XIII.
Tiểu sử tân Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc
Ngày 23/1, ông Nguyễn Duy Ngọc được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XIII và bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.