Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng duyệt chi gần 300 tỷ khôi phục cầu Ghềnh

Chiều 23/3, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương đầu tư khôi phục cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM theo lệnh khẩn cấp.

Theo đó, Chính phủ sẽ trích 298,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2016 để khôi phục Cầu Ghềnh. Đây cũng là phương án kinh phí do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án.

Dự án này sẽ không thông qua lựa chọn nhà thầu mà giao thầu, từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty khẩn trương triển khai và sử dụng số vốn được cấp theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Bộ GTVT, VNR phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo tại các văn bản mà hai cơ quan này đề xuất Thủ tướng về việc khôi phục cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp.

Thu tuong dong y chi 300 ty xay cau Ghenh anh 1
Cơ quan chức năng kiểm tra, khảo sát chi tiết hiện trường cầu Ghềnh (cầu Đồng Nai lớn) sau vụ tai nạn đường thủy vào trưa 20/3 - Ảnh: Phước Tuần

Theo kế hoạch của VNR, hơn một nửa kinh phí sẽ dùng đầu tư các hạng mục cải tạo nâng đường hai đầu cầu và các hạng mục công trình thuộc phạm vi cầu và đường sông hai đầu như: cầu chui Hiệp Hòa, đường ngang Bùi Hữu Nghĩa, hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt, điện, đường ống nước trên cầu…

Số còn lại sẽ dùng chia đều cho hai hạng mục: sửa chữa, cải tạo mở rộng nhà ga, kéo dài và đặt thêm đường ga ở các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom; và  xây mới hoàn toàn với sơ đồ ba nhịp 75 + 75 +75 m, dầm dàn vòm thép giản đơn, nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray trên cầu Ghềnh lên khoảng 2,2 m đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3 (tĩnh không thông thuyền là 7m, cao hơn 3m so với tĩnh không thông thuyền của cầu hiện hữu  là 4m).

Cầu mới dự kiến hoàn thành và thông tuyến đường sắt Bắc - Nam trước ngày 15/7. Việc thanh thải lòng sông và tháo dỡ cầu cũ được thực hiện trong 10 ngày tính từ ngày 22/3.

Trước đó, sự cố giao thông đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3 khi chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu sống.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, sau 3-5 tháng, tuyến đường sắt này mới thông suốt trở lại.

Theo thứ trường Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cầu Ghềnh có lý trình Km1699+860 thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam, bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng vào năm 1900-1902. Sau cú đâm va của sà lan 1.000 tấn vào trụ T2 cầu Ghềnh bị hư hỏng hoàn toàn 2 nhịp số 2 và số 3 (mỗi nhịp nặng khoảng 200 tấn), đổ trụ đỡ.

Qua khảo sát, các nhịp và mố trụ còn lại có khả năng bị ảnh hưởng do chấn động nên việc khôi phục cầu trở lại như nguyên trạng là không thể thực hiện được.


Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm