Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứ hàng ở ga Sài Gòn, sông Đồng Nai sau vụ sập cầu Ghềnh

Hàng hoá dồn về ga Sài Gòn, sà lan trên sông Đồng Nai bị ứ đọng sau sự cố sập cầu Ghềnh. Mỗi ngày neo đậu, chủ tàu, sà lan mất hàng chục triệu.

Sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến cho ga Sài Gòn (quận 3, TP HCM) bị cô lập. Không chỉ hành khách bị ảnh hưởng, hàng chục tấn hàng hoá đang bị ùn ứ tại ga. Tại sông Đồng Nai, tình trạng diễn ra tương tự. Thiệt hại ước tính lên đến vài chục triệu mỗi ngày.

Gửi xe máy bên ngoài mất 1,4 triệu đồng 

Nhân viên vận hàng ở Tổ hành lý ga Sài Gòn cho biết, từ chiều 21/3, xe tải của các chủ hàng đã nối đuôi nhau vào thu hồi hàng hoá. Đến sáng 22/3, một số khách tiếp tục đến gửi hàng mà không biết rằng tuyến đường sắt đang bị gián đoạn.

Theo quan sát của Zing.vn, nhiều thùng hàng, hành lý được xếp lên các toa xe lửa từ trước đang được các nhân viên vận hàng chuyển xuống trở lại, chờ chủ đến nhận về. Song song đó, nhiều chuyến xe tải liên tục vận chuyển hàng hoá từ đầu Biên Hoà về ga Sài Gòn để trả hàng cho khách.

sap cau Ghenh anh 1

Xe tải ra vào thu hồi, trung chuyển hàng hoá từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hoà và ngược lại. 

Ảnh: Zen Nguyễn.

Anh Nguyễn Huy Đông, một khách gửi hàng cho biết, anh phải chuyển hơn 1 tấn hàng sang dịch vụ vận chuyển đường bộ, với chi phí cao hơn vận chuyển đường sắt 20-30%.

“Vận chuyển hàng bằng đường sắt đã 10 năm, công ty không lượng trước được sự cố hy hữu này. Thời gian chuyển hàng gấp rút đành phải chuyển qua gửi một đơn vị đường bộ, phải chịu mức phí cao hơn bình thường”, anh Đông nói.

Anh Đặng Ngọc Duy (quận 3, TP HCM) nói thêm, bình thường, anh gửi chiếc xe máy về Đà Nẵng có 660.000 đồng ở ga Sài Gòn. Nhưng sáng 22/3, anh phải gửi dịch vụ bên ngoài với giá 1,4 triệu đồng. Theo anh Duy, hiện có đơn vị vận chuyển còn ngưng nhận xe máy.

Một doanh nghiệp chuyên vận chuyển xe máy đi tàu Sài Gòn-Hà Nội, ở quận Tân Bình chia sẻ, hiện mức phí vận chuyển xe máy dao động từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi chiếc tuỳ vào điều kiện đóng hàng là thùng caton hay khung gỗ. Mức giá này tương đương với ngày thường, nhưng phải hơn 10 ngày mới tới Hà Nội.

“Do tàu không về được ga Sài Gòn, công ty phải vận chuyển hàng lên ga Biên Hoà để tiếp tục hành trình. Thay vì lúc trước hẹn khách tại ga Sài Gòn để đóng hàng, và chỉ mất 4-5 ngày, nay phải gom đủ 10 xe mới tiến hành trung chuyển, nên thời gian kéo dài hơn bình thường”, nhân viên tư vấn của đơn vị này cho biết.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải quanh khu vực ga Sài Gòn cũng gấp rút thuê xe tải để chuyển hàng lên ga Biên Hoà, để tránh trường hợp bị ùn ứ, nhất là trễ thời gian giao hàng cho khách.

Anh Phạm Tuấn Kỹ, giám đốc một doanh nghiệp vận tải trên đường Nguyễn Thông, quận 3 cho biết, ngay khi nhận được tin cầu Ghềnh bị sập, anh đã cho rút hàng từ ga, một số chuyển sang đường bộ, số khác thuê xe vận tải chuyển lên ga Biên Hoà.

Theo anh Kỹ, sự cố đột xuất này gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị vận tải theo tuyến đường sắt. Trước khi tuyến đường sắt Sài Gòn - Hà Nội được thông suốt trở lại, hằng ngày, các công ty vận chuyển phải thuê 1-2 chuyến xe để trung chuyển, và nhận hàng từ ga Biên Hoà.

Thiệt hại lớn do ùn ứ tàu, sà lan trên sông Đồng Nai

Chiều 22/3, gần 100 sà lan chở vật liệu xây dựng, chủ yếu là đá dăm từ mỏ đá Hóa An vẫn chưa di chuyển về các tỉnh miền Tây do hiện trường cầu Ghềnh vẫn chưa được giải tỏa, trục vớt, thông lòng sông.

Theo ghi nhận của Zing.vn, từ cầu Hóa An lên đến khu vực thượng lưu giáp thị xã Tân Uyên (Bình Dương) có gần 100 chiếc tàu, sà lan (loại 600-1.000 tấn) phải neo đậu ba ngày nay.

“Sự cố cầu Ghềnh sập, các tàu kéo sà lan chở đá xây dựng của đại lý không thể xuất bến. Các khách hàng liên tục hối nhưng sự cố khách quan nên phải chấp nhận. Hy vọng cầu Ghềnh sớm giải tỏa lòng sông để các tàu ùn ứ có thể di chuyển được chứ kéo dài thiệt hại cả khách hàng lẫn đại lý đều rất lớn”, chủ một đại lý chuyên cung cấp đá ở xã Hóa An cho biết.

sap cau Ghenh anh 2

Các sà lan bị ùn ứ chủ yếu chở đá dăm xây dựng từ các đại lý vật liệu xây dựng ở xã Hóa An. 

Ảnh: Phước Tuần.

Đoạn sông qua cầu Ghềnh chưa di chuyển được khiến các sà lan chở hàng hóa, vật liệu xây dựng ùn ứ, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của các đại lý, cửa hàng bán vật liệu xây dựng cũng như công việc xây dựng của các khách hàng. Từ 3 ngày nay, các cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng tại xã Hóa An, Biên Hòa đã đóng cửa vì tàu, sà lan từ các tỉnh chưa đi qua được đoạn sông sập cầu.

Theo lãnh đạo Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3, lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa tạm thời tuyến đường thủy trên sông Đồng Nai (đoạn qua Cầu Ghềnh) để phục vụ công tác điều tra.  

Đồng Nai là con sông lớn, giao thông đường thủy của khu vực nên sự cố sập cầu Ghềnh đã khiến toàn bộ việc đi lại phải dừng lại. Vài ngày nữa, nếu chưa thông tuyến, khúc sông này sẽ bị kẹt cứng. Chủ tàu, tài công cũng như các đại lý, khách hàng đều đang rất nóng ruột. Mỗi ngày trôi qua tất cả đều thiệt hại từ vài triệu đến vài chục triệu.

Trước đó, sự cố giao thông đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3 khi chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu sống. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, sau 3-5 tháng, tuyến đường sắt này mới thông suốt trở lại.

Bài liên quan

Sách báo cũng bị 'làm giá' ở ga Sài Gòn?

Sách báo cũng bị 'làm giá' ở ga Sài Gòn?

Tuy không đến mức “một trời, một vực” so với thị trường, nhưng việc giá cả dịch vụ ở ga Sài Gòn được đội lên, thậm chí gấp đôi so với bên ngoài, khiến hành khách bất bình.

Zen Nguyễn - Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm