Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

300 tỷ đồng khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị phải điều động nhân sự giỏi, máy móc hiện đại sớm khôi phục tuyến đường sắt Bắc-Nam. Chi phí để khắc phục sự cố này có thể lên đến 300 tỷ đồng.

Ngày 22/3, tại TP HCM, Bộ GTVT tiếp tục họp bàn về các phương án trục vớt cầu Ghềnh và khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc Nam trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 trục vớt dầm cầu sập và thi công cầu mới. Đơn vị tư vấn thiết kế là Tedi South và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT, Portcoast… Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa trong quá trình thực hiện.

cau ghenh o dong nai bi sap anh 1
Các phương tiện đi qua cầu Ghềnh vào sáng 23/3. Ảnh: P.Tuần

Việc khôi phục cầu Ghềnh để thông tuyến đường sắt cũng được đưa ra 3 phương án, trong đó phương án nâng cao độ trắc dọc đỉnh ray trên cầu lên khoảng 2,2m để đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3 (tăng khoảng cách an toàn giữa mặt nước với dầm cầu).

Phương án này gần như xây mới toàn bộ cầu với sơ đồ 3 nhịp 75 m, dầm dàn vòm thép giản đơn, xây dựng 2 trụ cầu bê tông cốt thép mới bằng cọc khoan nhồi đường kính 1,5 m giữa sông; xây mới 2 mố bê tông cốt thép cọc khoan nhồi ở hai đầu cầu.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, kinh phí xây dựng cầu có thể mất khoảng 250 - 300 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí trục vớt các hạng mục cầu bị chìm được một nhà thầu đưa con số ước lượng trên 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo, từ nay đến cuối tháng 3 phải trục vớt được dầm cầu Ghềnh bị sập. Muộn nhất đầu tháng 4 bắt tay thi công và phải hoàn thành trước 15/7.

Sáng 23/3, theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, đơn vị này phối hợp các cơ quan liên quan thông luồng trên sông Đồng Nai. Do vướng các hạng mục cầu chìm nên nhà chức trách thông luồng tại khoang thuyền phụ (khoang số 4) của cầu Gềnh phía Bửu Hòa. Tại đây, các phương tiện có tải trọng dưới 400 tấn được đi qua dưới sự dẫn dắt của lực lượng CSGT.

cau ghenh o dong nai bi sap anh 2
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trong cuộc họp bàn ra phương án trục vớt và thi công cầu Ghềnh. Ảnh: P.T

Thời gian lưu thông được quy định từ 6h-18h hàng ngày. Ghi nhận tại hiện trường, sáng cùng ngày, có hàng chục tàu hàng tải trọng lưu thông qua cầu. Các phương tiện chạy một chiều theo hướng Cát Lái (Nhơn Trạch, Đồng Nai) lên TP Biên Hòa.

Sự cố sập cầu Ghềnh khiến giao thông thủy và đường sắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ GTVT đưa phương án khắc phục tai nạn theo hướng xây mới cầu.

Sáng 23/3, ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết từ hôm nay, hành khách đến ga Sài Gòn sẽ trực tiếp lên tàu, di chuyển đến ga Sóng Thần (thị xã Dĩ An, Bình Dương) rồi lên xe trung chuyển về ga Biên Hòa tiếp tục cuộc hành trình. Ở chiều ngược lại, hành khách cũng sẽ được chuyển tải từ ga Biên Hòa đến ga Sóng Thần để tiếp tục lên tàu về ga Sài Gòn. 

Ga Sài Gòn cũng lên kế hoạch tạm dừng khai thác đôi tàu SPT-1/SPT-2 (Sài Gòn - Phan Thiết) và SNT-1 (Sài Gòn - Nha Trang), thay vào đó sẽ tăng cường thêm chuyến tàu SNT-5 từ Nha Trang vào Sài Gòn xuất phát lúc 11h mỗi ngày. Hành khách đã mua vé tàu các chuyến tàu này sẽ được nhà ga hoàn trả toàn bộ tiền vé mà không tốn phí.

"Tính đến thời điểm hiện tại có hơn 400 hành khách trả vé tàu. Tuy nhiên số lượng trả vé này cũng không đáng kể. Trong mấy ngày qua, trung bình một ngày có 60 đến 70 chuyến chuyển tải hành khách. Từ hôm nay, hành khách muốn gửi hành lý phải xuống ga Biên Hòa để gửi", ông Văn cho biết.

Sự cố giao thông đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3 khi chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu sống. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, sau 3-5 tháng, tuyến đường sắt này mới thông suốt trở lại.

Ngày 21/3, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ Phan Thế Thượng (63 tuổi, chủ tàu đẩy sà lan), Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) để phục vụ điều tra.

Trong đó Giang và Lẹ được xác định không có giấy phép lái tàu nhưng đã đứng ra lái tàu đẩy sà lan 800 tấn từ Cát Lái (Nhơn Trạch, Đồng Nai) lên TP Biên Hòa. Khi đến chân cầu Ghềnh, do thiếu quan sát nên họ để sà lan đâm trực diện vào trụ cầu số 2 làm 2 nhịp đổ sập xuống sông.

Người báo cầu Ghềnh sập: 'Chậm 5 giây sẽ xảy ra đại họa'

Nghe tiếng động lớn, ông Sơn chạy ra xem thì thấy cây cầu Ghềnh hơn trăm tuổi đổ sập xuống sông. Nghĩ có tàu đang đến gần, người này hớt hải báo hiệu cho nhân viên gác chắn gần đó.



Phước Tuần - Ngọc An

Bạn có thể quan tâm