Sau đó, đoàn tàu dừng cách vị trí cầu Ghềnh sập chỉ khoảng 200 m. Anh Đào Anh Tuấn, nhân viên trạm gác chắn Biên Hòa 2 (phường Bửu Hòa, Biên Hòa) vẫn còn chưa hết xúc động khi nhớ lại thời điểm trưa 20/3.
Khoảng 11h38 ngày 20/3, anh nhận lệnh đóng chắn để đón tàu hàng 2542 xin đường qua cầu Ghềnh từ hướng ga Sóng Thần về Biên Hòa.
Sau khi nhận lệnh, anh Tuấn cùng 2 nhân viên gác chắn khác là Ngô Việt Phái và Phạm Tiến Dũng ra quan sát đường ngang để chắc chắn một lần nữa đảm bảo đường thông thoáng. Đây là cung đường cong, khuất tầm nhìn, vận tốc khai thác đầu kéo toa xe qua cầu 40-50km/h.
Nhìn về phía cầu Ghềnh (phía Bắc), anh Dũng phát hiện một người dân vừa chạy về vừa ra dấu hiệu có vấn đề nghiêm trọng.
Ngay lập tức anh nói gác chắn Ngô Việt Phái chạy nhanh về hướng người dân, nếu có chuyện bất thường thì giơ cờ đỏ báo hiệu. Còn anh Phạm Tiến Dũng chạy nhanh về phía đoàn tàu hàng đang lao đến cầm cờ đỏ ra hiệu.
Cầu Ghềnh bị sà lan đâm gãy vào trưa 20/3. Ảnh: Phước Tuần |
"Vì đây là đoạn đường cong, bị khuất tầm nhìn nên tôi đứng ở giữa 2 anh Phái và Dũng để chuyển thông tin ra hiệu được nhanh nhất. Khi anh Phái chạy đến nơi và phát hiện cầu Ghềnh đứt thì giơ cờ đỏ báo hiệu. Tôi nhìn thấy và ra hiệu cho anh Dũng ra lệnh cho tàu hàng 2542 dừng lại", anh Tuấn kể.
Còn anh Phạm Tiến Dũng (31 tuổi), nhân viên gác chắn, khi kể lại vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể khi mọi người đang chờ tàu thì phát hiện người dân chạy từ phía cầu Ghềnh đến. Anh Phạm Tiến Dũng nói: "Người đó vừa la hét cầu sập vừa quơ tay ra tín hiệu. Lúc đó, anh Ngô Viết Phái chạy về phía cầu để kiểm tra. Còn tôi chạy trên đường sắt về hướng Bình Dương để tìm và ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp. Trời nắng và mệt nhưng tôi vẫn cố chạy".
Theo anh Dũng thời điểm đó, các anh cũng rất hoang mang nhưng phải cố gắng bình tĩnh để xử lý sao cho hiệu quả, đảm bảo an toàn. Rất may các nhân viên gác chắn đã xử lý tốt tình huống, không thì hậu quả sẽ khó lường.
Anh Dũng chia sẻ phải tranh thủ chạy để gặp tàu càng xa hiện trường cầu sập càng tốt. “Chạy được quãng khá xa thì tôi thấy tàu hàng và ra hiệu lệnh. Đoàn tàu chạy với tốc độ 40 km/h nên sau khi người lái hãm phanh, tàu chạy hơn 100 m mới dừng hẳn. Tàu dừng, tôi và mọi người mới thở phào và điện báo sự cố lên lãnh đạo”, anh Dũng bày tỏ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Nhân viên gác chắn Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Phước Tuần. |
Sau khi dừng tàu thành công, các anh đã báo cáo ngay với Tổng công ty đường sắt Sài Gòn có hướng giải quyết và kéo tàu hàng quay lại đậu ga Sóng Thần.
Chiều 21/3, dù giao thông đường sắt qua khu vực tê liệt nhưng các nhân viên gác chắn tại đây vẫn làm việc bình thường. Họ vẫn túc trực và tiếp nhận các thông tin chỉ đạo từ ngành. Một nhân viên cho biết, dù không trực tiếp tham gia cứu hộ nhưng vẫn phải giữ vị trí để duy trì thông tin và phối hợp khi cơ quan điều tra, lực lượng cứu hộ yêu cầu.
Hiện tại các tàu hàng từ phía Bắc vào miền Nam dừng tại các ga Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh (Đồng Nai). Tổng công ty đường sắt đã có phương án thỏa thuận với khách hàng về hình thức vận chuyển hoặc thanh lý hợp đồng, tháo gỡ hàng ở Ga Sài Gòn.
Trước đó, Bộ GTVT đã quyết định chọn ga Biên Hòa làm điểm dừng cuối cùng ở phía Nam đối với các chuyến tàu khách thống nhất. Ngành đường sắt sẽ phối hợp sở giao thông vận tải TP HCM và Đồng Nai để chuyển tải hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và ngược lại.
Theo Tổng công ty đường sắt Sài Gòn, hành khách có thể đến trả vé mà không mất phí. Theo thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhanh nhất cũng mất 3-5 tháng, tuyến đường sắt mới khôi phục trở lại.
Theo thống kê của Ga Sài Gòn, trung bình một ngày có 3-4 đoàn tàu với khoảng 70 toa hàng được vận chuyển từ Nam ra Bắc và miền Trung với tổng trọng lượng gần 2.000 tấn.
Cơ quan điều tra và viện kiểm sát đang kiểm tra, ghi hình lại hiện trường vụ va chạm vào trưa 21/3 tại cầu Ghềnh - Ảnh: Phước Tuần |
Sự cố giao thông đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3 khi chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu sống.Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, sau 3-5 tháng, tuyến đường sắt này mới thông suốt trở lại.