Chiều 21/3, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về phương án khắc phục tai nạn sập cầu Ghềnh trưa một ngày trước.
Chuyển khách từ ga Sóng Thần qua ga Biên Hòa
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết chiều 21/3 ngành đường sắt sẽ công bố phương án kinh doanh trong điều kiện mới đến khi khôi phục xong cầu Ghềnh. Theo đó, ngành này sẽ giảm 2 đôi tàu thống nhất chạy tuyến Hà Nội –Sài Gòn và ngược lại.
Về phương án trung chuyển hành khách không dùng ôtô mà dùng tàu chở khách từ ga Sài Gòn lên ga Sóng Thần (Bình Dương) rồi vận chuyển ôtô đến ga Biên Hòa. Đối với tàu hàng sẽ dỡ hàng ở ga Hố Nai. Tuy nhiên, hiện tại năng lực tại ga này chỉ được 2 đôi tàu, trong khi nhu cầu cần dỡ hàng là 7 đôi tàu.
Khoảng cách chuyển tải hành khách được rút ngắn từ ga Sài Gòn về ga Sóng Thần (Bình Dương). Ảnh: Phước Tuần. |
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai, đến thời điểm này việc phối hợp với Tổng Công ty đường sắt để trung chuyển hành khách và hàng hóa từ Biên Hòa đi Sài Gòn và ngược lại đã đi vào nề nếp, đã tổ chức trung chuyển cho hơn 3.000 hành khách. Sở GTVT khẳng định có đầy đủ các phương tiện để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, việc trung chuyển hàng hóa hiện nay khá khó vì ga Hố Nai quy mô nhỏ không thuận lợi cho việc tiếp nhận hàng.
Ưu tiên phương án khôi phục nguyên trạng có cải tạo mới
Về phương án khắc phục sự cố được Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề xuất 3 phương án.
Theo đó, phương án 1 sẽ tập trung khôi phục 110 m đoạn cầu bị sập. Để thực hiện phương án này phụ thuộc vào kết quả kiểm định trụ T2 và T3, tuy nhiên phải hơn 20 ngày mới có kết quả kiểm định.
Phương án 2 là thay mới cả 3 nhịp, không phải gia cố các trụ mà chỉ tăng cường mố cầu, nếu quyết định sẽ triển khai ngay sản xuất thép trong vòng 2 đến 3 tháng sẽ xong, đồng thời làm mới 2 mố trụ bẳng bê tông cốt thép.
Phương án 3 là khôi phục nguyên trạng, có cải tạo.
Về phương án trục vớt đoạn cầu bị sập xuống sông, qua khảo sát chiều dài 2 km (bao gồm hạ lưu và thượng lưu) phạm vi chiều rộng 60 m Cục đường thủy nội địa đề nghị tỉnh Đồng Nai giải tỏa hành lang phía sông Cái để thông tuyến chạy tàu, tránh tình trạng tàu chạy qua khu vực này xảy ra tai nạn thứ 2. Đối với việc trục vớt hiện có 2 công ty trình bày phương án trục vớt, cắt nhỏ từng khối đưa vào bờ và phương án cắt toàn bộ, cẩu đưa vào bờ. Trong đó, một đơn vị đề xuất chi phí trục là 12,5 tỷ đồng. Đề nghị địa phương bố trí địa điểm để khi di chuyển khối thép vào bờ.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: Bạn đọc Leo cung cấp. |
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt trong khắc phục sự cố, trong đó, thành phố Biên Hòa và Sở GTVT rà soát kỹ phương án cho tàu qua luồng sông Cái. Về luồng lạch ở khu vực này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT cho phép nạo vét đảm bảo việc chạy tàu vì hiện tại có đá ngầm cần.
Chỉ đạo tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị trước 24/3, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cần chốt phương án cuối cùng về khắc phục sự cố báo cáo cụ thể Bộ GTVT. Đồng thời chủ động về kỹ thuật, huy động nhân lực để thực hiện việc điều chỉnh chạy tàu và phối hợp với tỉnh Đồng Nai thực hiện trung chuyển hành khách và hàng hóa.
Đối với việc khảo sát, thứ trưởng Đông yêu cầu cần tiếp tục thực hiện để dựng lên hình 3D. Từ đó, xác định phương án tháo dỡ đảm bảo an toàn. Về phương án tháo dỡ trong ngày mai 22/4 phải có báo cáo cụ thể để Bộ GTVT giao cho đơn vị thực hiện.
Thứ trưởng Đông cho biết sáng 22/3, Bộ GTVT sẽ tổ chức cuộc họp tại TP HCM với các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia hàng đầu của đất nước về lĩnh vực GTVT có liên quan để chọn phương án tháo dỡ và khắc phục sự cố, đảm bảo việc lưu thông đường sắt Bắc – Nam.
Đến cuối ngày, lãnh đạo Bộ GTVT đã chốt chọn phương án 3 để xử lý vụ sập cầu Ghềnh. Dự kiến, ngày 15/7, tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ thông tuyến.