Trong chương trình chuyến công tác dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022), sáng 31/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021, 8 tháng đầu năm 2022 và định hướng thời gian tới.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận tại buổi làm việc cho biết trong bối cảnh có những khó khăn do tình hình dịch bệnh, xung đột trên thế giới diễn biến phức tạp, song Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được kết quả khá toàn diện.
Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 kinh tế của tỉnh có bước hồi phục mạnh mẽ. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,44%, cao hơn so mức trung bình cả nước; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 552 triệu USD, bằng 75,8% kế hoạch, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 37,12%; dịch vụ chiếm 38,22%; nông - lâm - thủy sản chiếm 27,65%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số khách du lịch đến Bình Thuận tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt gần 4.500 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục được quan tâm, có kết quả.
Theo đó, tỉnh đã xây dựng và kết nối 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long với quy mô 746 ha thanh long, sản lượng trên 8.600 tấn; hình thành vùng sản xuất cao su tập trung; tích cực triển khai các biện pháp chống khai thác IUU...
Công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung chỉ đạo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; khoa học và công nghệ có bước tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung triển khai thực hiện; năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tỉnh Bình Thuận đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương một số đề xuất, kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho địa phương phục hồi kinh tế - xã hội nhanh và phát triển bền vững.
Trong đó tỉnh đề nghị đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần nghề cá; thành lập khu công nghệ cao và khu kinh tế ven biển; các kiến nghị liên quan phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi; sớm phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản titan; việc tiêu thụ tro, xỉ của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu góp ý vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; giải đáp các vấn đề tỉnh Bình Thuận đề xuất, kiến nghị.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đề nghị tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh; phát triển cân bằng giữa công nghiệp năng lượng với kinh tế biển; phát triển cân bằng giữa kinh tế với văn hóa; giám sát quá trình phát triển để đảm bảo môi trường, thực hiện lộ trình các cam kết của Việt Nam tại COP26...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như có đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi; có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió, điện mặt trời; có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển; tiềm năng phát triển du lịch; nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn, đặc biệt có trữ lượng dầu mỏ lớn...
“Bình Thuận phải đi lên từ những tiềm năng, lợi thế này, nhất là đi lên từ biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, Bình Thuận vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng; phát triển chưa nhanh, chưa xanh, chưa bền vững; thậm chí có những tồn tại, yếu kém.
Trong đó, tái cơ cấu kinh tế của tỉnh và trong nội bộ từng ngành, từng lĩnh vực chưa đạt yêu cầu; liên kết vùng còn yếu; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông chưa được đầu tư đồng bộ để tạo động lực phát triển; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn; đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn...
Trên cơ sở phân tích và các ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng phủ đề nghị tỉnh Bình Thuận thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng.
“Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh phải nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu”, Thủ tướng chỉ rõ.
Bình Thuận phải theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn; xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu dứt điểm đến đó. Tập trung thực hiện “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” để phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn ổn định: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ba tăng cường: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine Covid-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước.
Hai đẩy mạnh: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch.
Một tiết giảm: Tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.
Một kiên quyết không: Không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; thống nhất nhận thức và hành động; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi bảo đảm điều kiện cần thiết, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển...
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định; bảo đảm việc khám chữa bệnh cho nhân dân trên tinh thần sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 3 “trụ cột” kinh tế của tỉnh, trong đó phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển năng lượng tái tạo; phát triển du lịch thành trung tâm du lịch của khu vực và thế giới.
Tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó lưu ý quy hoạch phát triển năng lượng theo hướng xanh, sạch, hiệu quả; quy hoạch mở rộng, phát triển thành phố Phan Thiết; sáp nhập thị xã La Gi với huyện Hàm Tân.
"Nơi đẹp, thuận lợi phải quy hoạch để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, không quy hoạch phát triển bất động sản nhà ở", Thủ tướng nhắc nhở.
Tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Cần lưu ý, bằng mọi giải pháp nhanh chóng xây dựng sân bay Phan Thiết để sớm có kết nối đường không, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bình Thuận tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index, DTI; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong tỉnh; thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Thủ tướng lưu ý tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Theo Thủ tướng, tỉnh Bình Thuận phải không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế theo tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Thuận thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp kể trên, phấn đấu đến năm năm 2024, tỉnh cân đối được thu, chi trên địa bàn.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Bình Thuận, Thủ tướng cho rằng đây đều là những đề xuất chính đáng, thiết thực của địa phương. Thủ tướng cơ bản đồng ý về nguyên tắc giải quyết các kiến nghị; đồng thời cho ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết đối với từng đề xuất, kiến nghị và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành căn cứ các quy hoạch chung của cả nước, của vùng, căn cứ nguồn lực, thứ tự ưu tiên, không dàn trải để giải quyết phù hợp, đúng quy trình, quy định.
Theo đó, những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó chủ trì, phối hợp giải quyết, vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
Bình Thuận cần đưa khu du lịch Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực
Tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và quyết tâm đưa khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực là mục tiêu Thủ tướng đặt ra cho Bình Thuận.
Bình Thuận khởi công dự án khu công nghiệp 12.000 tỷ đồng
Thủ tướng đánh giá khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 khi đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm sáng, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực phía nam của tỉnh Bình Thuận.
TP Thuận An phủ sóng Wi-Fi nơi công cộng cho người dân dùng miễn phí
TP Thuận An (Bình Dương) là địa phương thứ hai phủ sóng Wi-Fi nơi công cộng cho người dân truy cập miễn phí, sau TP Thủ Dầu Một.