Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bình Thuận cần đưa khu du lịch Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực

Tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và quyết tâm đưa khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực là mục tiêu Thủ tướng đặt ra cho Bình Thuận.

Dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận tối 30/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi mở nhiều hướng đi cho địa phương.

Theo ông, sau 30 năm tái lập, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng tốt tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá.

“Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Từ một tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục rất khiêm tốn, đến nay Bình Thuận đã và đang hoàn thiện các hệ thống giao thông chiến lược và là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước”, theo lời lãnh đạo Chính phủ.

Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng

Bình Thuận là một tỉnh vốn rất khó khăn, thiên tai liên tiếp xảy ra, nắng hạn kéo dài, tỷ lệ hộ nghèo đói năm 1992 chiếm hơn 32,4%. Thế nhưng, hiện địa phương không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15% (năm 2021), đời sống của người dân được chăm lo tốt hơn, số hộ trước kia khó khăn nay đã vươn lên khá giả, làm giàu.

30 nam Binh Thuan anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ để tạo động lực phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn lực phát triển, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục.

Ngoài ra, tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm, liên kết vùng, liên kết nội tỉnh còn hạn chế; môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa có bước đột phá; các chỉ số về cải cách hành chính, mức độ hài lòng của người dân còn rất khiêm tốn.

Địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước đến mức phải xem xét, xử lý...

Từ những hạn chế được chỉ ra, Thủ tướng gợi ý Bình Thuận cần lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.

“Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

Tập trung phát triển du lịch

Về kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quyết tâm đưa khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực. Đồng thời, khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện mặt trời hợp lý, điện khí LNG và năng lượng hydrogen.

30 nam Binh Thuan anh 2

Thủ tướng cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm, Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ nền tảng ấy, Thủ tướng mong muốn Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia, từng bước phát triển công nghiệp, nông nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Bên cạnh đó, phải chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang “phát triển kinh tế nông nghiệp”, nông nghiệp sản xuất lớn, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế…

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận khẩn trương xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, phát huy hiệu quả hơn vị trí địa lý thuận lợi do sát vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thúc tiến độ xây sân bay Phan Thiết

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, tháo gỡ ngay tại hiện trường các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra với dự án này.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận di dời sớm các công trình điện, hạ tầng để có mặt bằng, chậm nhất tháng 12 phải hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án này.

Bên cạnh đó, rà soát, giải quyết vấn đề liên quan tới các mỏ vật liệu xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm vật liệu cho dự án, hoàn thành trong tháng 10.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại mức đầu tư của hạng mục nhà ga hành khách dân dụng và năng lực chủ đầu tư BOT hạng mục này.

"Nếu chủ đầu tư đáp ứng yêu cầu thì tiếp tục triển khai, không đáp ứng thì tiến hành đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư", theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng cũng cho ý kiến giải quyết vướng mắc liên quan tới quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (titan) và xây dựng sân bay theo hướng lựa chọn phát triển xanh, bền vững. Ông đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển, khai thác nguồn điện mặt trời, điện gió ngay trong khu vực để bảo đảm điện cho sân bay hoạt động.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các bước xây dựng dự án, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công, đầu tư Cảng hàng không Phan Thiết theo hướng hiện đại, phát triển bền vững.

Bài liên quan

Xuân Hoát

Bạn có thể quan tâm