Chiều 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với tập thể lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong điều kiện dịch bệnh.
Khi dịch phức tạp phải phong tỏa, chống lây lan
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trước tình hình dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị bao gồm Ban Dân vận Trung ương, Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vào cuộc, huy động được sự đồng lòng, chung sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào phòng, chống dịch.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định tình hình dịch Covid-19 hiện còn rất nghiêm trọng, gây tổn hại và ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống xã hội. Việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi dịch diễn biến phức tạp, các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16, tức là phong tỏa, chống lây lan. Ảnh: TTXVN. |
Nguyên nhân của việc này, theo Thủ tướng, một phần là có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có lúc chưa nghiêm; việc thực hiện 4 tại chỗ còn hạn chế do thiếu nguồn lực nên khi dịch bệnh phức tạp trở nên quá tải…
Thủ tướng mong muốn Ban Dân vận, MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp tiếp tục phát huy thành quả đạt được, đồng thời bổ sung, hoàn thiện giải pháp để tham gia phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Theo lãnh đạo Chính phủ, “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố là một pháo đài chống dịch” nên cần vận động, kêu gọi, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc quy định, biện pháp về phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, ưu tiên số 1 hiện nay là phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân. Đặc biệt, không được để cho người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế, cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Khi diễn biến dịch phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16, tức là phải phong tỏa, chống lây lan; thực hiện người cách ly với người, ai ở đâu ở đó; tổ chức xét nghiệm thần tốc, rộng rãi để nhanh chóng phát hiện nguồn lây tách ra khỏi cộng đồng.
Thông tin đầy đủ về dịch, kêu gọi người dân chống dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến, đề nghị của Ban Dân vận, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét, phù hợp với quy định.
Trước mắt yêu cầu các ngành, cơ quan liên quan thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện về tình hình dịch bệnh để người dân biết, hiểu; đồng thời hướng dẫn để người dân phòng, chống dịch hiệu quả; nghiên cứu quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách cả về vật chất và tinh thần cho những người trên tuyến đầu chống dịch.
Lãnh đạo Chính phủ đánh giá việc phòng, chống dịch chưa đạt như mong muốn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nhấn mạnh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Thủ tướng mong muốn Ban Dân vận, MTTQ các cấp và các thành viên kêu gọi, vận động, hướng dẫn người dân tích cực hơn nữa trong phòng, chống dịch Covid-19, vì sức khỏe của chính mình, vì cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.
Trước đó, báo cáo về các chính sách hỗ trợ, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, 12 nhóm chính sách đã được thực hiện, hỗ trợ gần 13 triệu người, gần 380.000 người sử dụng lao động với khoảng gần 6.780 tỷ đồng.
Đại diện Ban Dân vận Trung ương, Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đánh giá cao giải pháp, nỗ lực của Chính phủ và bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế, xã hội.
Các đơn vị kiến nghị Chính phủ những vấn đề thiết thực như có chính sách cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an; chỉ đạo đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục giảm giá điện, nước sinh hoạt, xăng dầu, khí đốt, cước viễn thông... hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh.
Bên cạnh đó là việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục để người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc ngừng việc được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời gói hỗ trợ.
Các cơ quan đề xuất đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân ở những tỉnh, thành phố đang bị dịch bệnh nặng, ưu tiên công nhân ở doanh nghiệp sản xuất oxy, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, doanh nghiệp “ 3 tại chỗ”; hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân...