Sáng 19/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long họp khẩn với TP.HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai về việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động để chăm sóc người nhiễm Covid-19.
Vấn đề này được đặt ra khi số ca mắc ở TP.HCM và một số địa phương tiếp tục gia tăng, đòi hỏi sự chăm sóc, quản lý, điều trị tại cộng đồng. Trước đây, mỗi xã, phường có một trạm y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, địa bàn đông dân cư, có nhiều người nhiễm Covid-19 có thể thiết lập nhiều trạm y tế lưu động.
Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ gì?
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, trạm y tế lưu động sẽ quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 dựa vào cộng đồng và gia đình. Để thiết lập, vận hành mô hình này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh 4 yếu tố.
Thứ nhất, về chức năng nhiệm vụ, trên cơ sở của một trạm y tế khám chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn, trạm y tế lưu động có nhiệm vụ tổ chức theo dõi ca dương tính tại nhà; Tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh (ngoài Covid-19) và kết nối, chuyển tuyến, tổ chức điều trị, chăm sóc các ca F0; thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19, các loại xét nghiệm khác, tiêm chủng và truyền thông.
Về địa điểm, Bộ Y tế khuyến cáo chọn bất kỳ địa điểm nào từ nhà thi đấu, nhà văn hoá, UBND xã/phường, phòng khám tư nhân; nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà dân rộng rãi, cách biệt khu vực xung quanh. Trạm y tế lưu động cần túc trực 24/24, nếu không chọn được các địa điểm thì địa phương chọn phương án di động, có phân công trực và bố trí địa điểm sinh hoạt phù hợp.
Đối với vấn đề nhân lực, trạm y tế lưu động tối thiểu cần có 1-2 bác sĩ và 5-7 cán bộ y tế khác tuỳ điều kiện từng địa phương. Ngoài ra, trạm cần có tình nguyện viên tại địa bàn nắm rõ địa bàn, dân cư.
Theo ông Long, trang thiết bị của trạm y tế lưu động cần đáp ứng ở mức độ tối thiểu nhất, gồm ít nhất có 2 bình oxy trở lên có đầy đủ mặt nạ và dụng cụ cấp cứu, túi thuốc cấp cứu lưu động.
“Trạm y tế lưu động có điều kiện tổ chức, nhân lực tối giản nhưng phải đảm bảo chữa trị các bệnh bình thường và quản lý, điều trị Covid-19 tại cộng đồng”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh và đề nghị TP.HCM cần rà soát dự kiến số lượng nhân sự cần chi viện. Các địa phương khác cần dự thảo kế hoạch để kích hoạt ngay khi cần thiết.
Nâng cấp trạm oxy phản ứng nhanh ở TP.HCM thành trạm y tế lưu động
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết chiến lược điều trị Covid-19 của TP tập trung 2 trụ cột chính là theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà và chữa trị bệnh nhân tại bệnh viện.
Hiện TP.HCM có khoảng 15.000 F0 đang chăm sóc, điều trị ở nhà, phân bố đều ở khắp các xã, phường. Họ là những người không có bệnh nền, không triệu chứng hoặc có nồng độ virus (CT value) trên 30 sau 7 ngày điều trị ở bệnh viện.
Để hỗ trợ hiệu quả trụ cột thứ nhất là chăm lo F0 tại nhà, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề nghị các địa phương phải xác định từng khu phố có bao nhiêu F0. Cứ khoảng 10-20 F0 lại bố trí một trạm oxy gắn với tổ phản ứng nhanh. Các quận, huyện ở TP.HCM đang triển khai biện pháp này.
Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ đồng tình với ý tưởng nâng cấp các trạm oxy này lên thành trạm y tế lưu động. Các trạm này cần bổ sung nhân lực, trang thiết bị, test nhanh…
Tại Đồng Nai, tỉnh đang thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng cho 2 triệu người. Địa phương ước tính có khoảng 9.000-18.000 trường hợp F0 nên đã chuẩn bị mỗi huyện 1.000-4.000 giường điều trị tập trung. Tỉnh cũng thành lập 11 bệnh viện dã chiến và kế hoạch chi tiết phân tầng điều trị….
Còn Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết trong đợt dịch thứ 4, tỉnh ghi nhận gần 16.500 bệnh nhân. Tỉnh lên kế hoạch tầm soát nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Dự kiến sau khi xét nghiệm tầm soát có khoảng thêm 10.000 F0.
Đánh giá theo Quyết định 2686, Long An có 5 vùng nguy cơ rất cao, 2 vùng nguy cơ cao, 2 địa phương có nguy cơ và 6 địa phường được đánh giá là vùng bình thường mới.
Đồng tình với đề xuất thiết lập trạm y tế lưu động, Sở Y tế Long An cho rằng địa phương có thể áp dụng thí điểm ở 3 địa phương thuộc vùng nguy cơ rất cao là Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc. Tại đây, có một số xã có nguy cơ rất cao, có thể áp dụng theo mô hình tổ cấp cứu tại trạm y tế.
Tại Bình Dương, với quan điểm cố gắng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh đang xét nghiệm diện rộng lần thứ 3. Mỗi ngày gần đây tỉnh ghi nhận hơn 2.000 ca. Sau khi xét nghiệm, những ngày tới số F0 có thể tăng lên từ 5.0000-7.000 ca dương tính/ngày.
Địa phương này đang điều trị cho 30.000 F0 (13.000 đang điều trị tầng 1, 2, 3 và 17.000 người đang chăm sóc, tại các cơ sở thu dung). Bình Dương đang thí điểm cách ly, điều trị 1.000 F0 tại nhà nhưng gặp khó khăn do vùng đỏ rất đông công nhân.
Qua xét nghiệm, tỷ lệ ca dương tính trên 300 khu nhà trọ là rất cao (khoảng 20%). Do đó, Bình Dương đang mở nhiều bệnh viện dã chiến quy mô 20.000 giường, chưa đặt vấn đề mở rộng mô hình chăm sóc F0 tại nhà, khu công nghiệp, nhà trọ. Ngành y tế tỉnh này mong sớm áp dụng mô hình trạm y tế lưu động tại các khu phong toả, khu nhà trọ.
Nhiệm vụ chưa hẹn ngày về của người lính tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM
Ba mẹ vắng nhà, cậu anh trai 5 tuổi trưởng thành bất đắc dĩ để thay mẹ chăm em gái. Cứ thế hơn 40 ngày trôi qua, hai đứa trẻ chỉ gặp mẹ qua màn hình điện thoại.
Thủ tướng: 'Kiểm soát dịch ở miền Nam mới kiểm soát được trên cả nước'
Nhấn mạnh kiểm soát được dịch ở miền Nam mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước, Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng điều ngay y, bác sĩ cho các tỉnh, thành phía Nam.
Đề xuất chi gần 54 tỷ đồng mua thuốc cho F0 cách ly tại nhà
Sở Y tế TP.HCM đề xuất 2 phương án mua thuốc cho F0 cách ly tại nhà. Dự kiến TP cần chi 53,8 tỷ đồng cho 182.408 túi thuốc trong một tháng tới.