Doanh nghiệp đề nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại cuộc làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam tối 6/7 về tình hình hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Theo hiệp hội, thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, vật liệu cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp SME.
"Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp...", hiệp hội đề xuất.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn, mang lại hiệu quả thiết thực và kịp thời hơn.
"Doanh nghiệp, ngân hàng cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm và cùng nhau gỡ khó khăn. Ngân hàng phải đặt mình vào địa vị doanh nghiệp và ngược lại", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Đặc biệt triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề lãi suất cho vay của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
"Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có có tài sản đảm bảo, cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho ngân hàng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn", Thống đốc nói.
Theo Thống đốc, NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản. Về những khó khăn liên quan tới đơn hàng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả các FTA và đàm phán các FTA mới, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng...
Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 tăng gần 3,6%, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay 14-15%. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại giảm bình quân 0,7%, còn mặt bằng lãi suất vay đã hạ 1% so với cuối năm ngoái sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.