Trả lời về vấn đề tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết năm nay lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần.
Tính đến hết tháng 6, tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7-0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm 1-1,2%. Thậm chí, nhiều ngân hàng có gói lãi suất giảm sâu cho đối tượng, lĩnh vực có sự ưu đãi của Nhà nước.
Về dư nợ tín dụng, ông Tú cho biết từ đầu năm NHNN xác định tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, nhưng đến nay mới tăng được khoảng 4,2%, đạt hơn 12 triệu tỷ đồng. Room tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay.
"Thanh khoản của ngân hàng thương mại đang thừa chứ không hẳn 'ế tiền'. Một số nước tăng trưởng tín dụng còn âm, dù Việt Nam hạ lãi suất lẽ ra tín dụng phải tăng, nhưng thực tế có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh", ông nói.
Lý giải nguyên nhân, ông Tú cho rằng do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp nên nhu cầu tín dụng không thể tăng cao. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp FDI.
Do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, doanh nghiệp gặp khó khăn, không có đơn hàng nên nhu cầu tín dụng không thể tăng cao. Ảnh: H.H. |
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, nhiều dự án chưa triển khai được dù ngân hàng đã rất quan tâm đẩy mạnh cho tín dụng bất động sản.
"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước đây rất khó tiếp cận tín dụng nay càng khó hơn. Để gỡ khó, các hiệp hội doanh nghiệp và NHNN đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với các doanh nghiệp này", ông nói.
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc, cũng có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay, vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp.
Lãnh đạo NHNN cho biết NHNN đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn. Hy vọng với hàng loạt chính sách đồng bộ, lãi suất tiếp tục giảm sẽ tăng được tín dụng trong 6 tháng cuối năm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.