Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Cần tăng cường thu thuế từ bán hàng qua mạng, Uber, Grab'

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành thuế năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là những ngành kinh doanh mới.

Chiều 31/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

“Chính phủ liêm chính thì không thể thiếu ngành thuế”

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Tổng cục Thuế cũng như những thành tích đạt được trong năm 2017. Thủ tướng cho dù rất bận rộn với công việc nhưng đã dành thời gian đến 2 Tổng cục quan trọng là Thuế và Thống kê.

Ông đánh giá cao đến những thành tích mà ngành thuế đã đạt được trong năm vừa qua. Theo đó, lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1 triệu tỷ đồng.

“Nói đến Chính phủ liêm chính, hành động thì không thể thiếu ngành thuế. Bởi ngành thuế liên quan đến doanh nghiệp rất lớn, thể hiện nét công bằng văn minh, thể hiện môi trường kinh doanh. Một trong những tiêu chí môi trường kinh doanh chính là thuế”, ông nói.

Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của ngành thuế trong việc cân đối ngân sách Nhà nước. Theo người đứng đầu Chính phủ, một số quốc gia GDP rất lớn nhưng thất thu cũng nhiều, do đó phải đi vay mượn. Do đó ông đánh giá cao việc cân đối ngân sách, thu chi, từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư với Chính phủ.

thu tuong lam viec voi tong cuc thue anh 1
Thủ tướng đến dự hội nghị ngành thuế. Ảnh: VGP.

Ngành thuế cũng đã nỗ lực cải tiến công tác thu, chống thất thu, tạo môi trường lành mạnh cho xã hội. Hiện tại đã có 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nội địa đã tăng và chiếm khoảng trên 70% tổng thu, cao hơn giai đoạn trước.

Thủ tướng đánh giá xu hướng tăng thu nội địa là đúng hướng. Thu nội địa cao góp phần tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, phát huy sức mạnh nội tại. Con số trên chưa đạt 80-85% so với mục tiêu nhưng là điều đáng mừng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao công tác hiện đại hóa ngành thuế. Trong đó, ngành thuế ngày càng tạo điều kiện cho người nộp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tỷ lệ kê khai thuế điện tử cũng lên cao và đạt tới 99,63%.

“Chỉ số nộp thuế của nước ta tăng 81 bậc và đứng thứ trong nhóm 4 nước ASEAN. Nhà đầu tư đánh giá điều này là rất quan trọng, theo đúng tinh thần nghị quyết 19. Đây cũng là thứ hạng tăng nhanh nhất trong 10 chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, Thủ tướng vui mừng thông báo.

“Chính sách thuế thay đổi quá nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp”

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành thuế để có những biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ông cho rằng ngành thuế có cải cách thủ tục hành chính nhưng sự chuyển biến còn tiến hành chậm. Ngoài ra, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Ông yêu cầu cần đảm bảo chính sách thuế ổn định hơn.

“Cần có tư duy làm chính sách thuế một cách toàn. Hiện tại chính sách thuế vẫn tư duy theo hướng có lợi cho cơ quan Nhà nước, chưa hướng đến có lợi cho người nộp thuế. Mình làm việc gì đó cũng cần nghĩ đến người nộp thuế đang nghĩ gì, tạo điều kiện cho sự phát triển sau này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, suy nghĩ về chính sách thuế cũng phải toàn diện hơn. Cần xem xét trong nước, quốc thế như thế nào. Số đông, người nghèo ra sao.

Suy nghĩ về chính sách thuế phải toàn diện hơn. Trong nước, quốc tế như thế nào, số đông thế nào, người nghèo thế nào.

Nói về kinh nghiệm nước ngoài, Thủ tướng nói đến việc Mỹ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Theo đó ngân sách sẽ thất thu khoảng 1.500 tỷ USD nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn đầu tư vào Mỹ. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

“Chúng ta khác nước họ nhưng tôi đánh giá cao sự nhạy bén để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, thu hút đầu tư của người ta. Tổng cục Thuế cũng cần học tập sự nhạy bén này”, ông nói.

Thủ tướng cũng nêu ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn còn xảy ra trong ngành thuế. Doanh nghiệp vẫn kiến nghị gửi đến Chính phủ thời gian qua. Tình hình trốn lậu thuế, chuyển giá, chây ì nộp thuế vẫn còn diễn ra ở một số ngành, địa bàn. Điều này làm giảm tính công bằng và lành mạnh trong môi trường kinh doanh.

Cần mở rộng đối tượng nộp thuế

Ngoài ra, chính sách mới chỉ nghĩ đến việc tăng thuế suất, hơn là mở rộng đối tượng nộp thuế.

“Cần mở rộng cơ sở nộp thuế, tăng cường thu thuế với các loại hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, các loại hình mới như Uber, Grab… Hiện tại ngành thuế còn chậm trong nghiên cứu đề xuất chính sách để thu thuế với các loại hình kinh doanh mới”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục tình trạng thất thoát thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, hiện tại cả nước có 5-6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nếu chuyển sang doanh nghiệp thì quy mô doanh nghiệp cả nước sẽ không chỉ dừng lại ở con số 600.000 như hiện tại.

Ông chỉ ra nguyên nhân khiến hộ gia đình ngại chuyển sang doanh nghiệp do thủ tục rườm rà, nên ở lại hộ kinh doanh cá thể để tiện lợi hơn. Do đó, Tổng cục Thuế cần phối hợp với các bộ ngành để tham mưu, hỗ trợ người nộp thuế, triển khai thủ tục nhanh gọn.

Thủ tướng cũng mong muốn ngành thuế tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh, loại bỏ những thủ tục rườm rà.

Ngoài ra cần tăng cường chống lợi ích nhóm, tiêu cực, nhũng nhiễu, chi phí bôi trơn. Thủ tướng yêu cầu đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, nhũng nhiễu, tiêu cực.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm