Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Bộ Công Thương vấp nhưng chưa ngã'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay năm 2016, Bộ Công Thương "vấp nhưng chưa ngã". Thủ tướng cũng nhắc lại câu chuyện các công ty đa cấp gây hậu quả xấu trong năm qua.

Ngày 6/1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

"Vấp nhưng chưa ngã"

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 2016 là một năm đầy khó khăn, sóng gió. Ngành công thương cũng đã trải qua nhiều biến cố về nhân sự, các dự án thua lỗ của một số đơn vị. Tuy nhiên, ngành đã tự vươn lên với sự nỗ lực.

"Có thể nói Bộ Công Thương vấp nhưng chưa ngã! Chưa năm nào mà chúng ta gặp khó khăn như năm nay, từ nhân tai, thiên tai đến tiền tệ, sản xuất, kinh doanh. Dù một số chỉ tiêu chưa hoàn thành nhưng vai trò đóng góp của ngành công thương trong phát triển chung rất lớn", Thủ tướng chia sẻ.

lua dao da cap van con long hanh anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Công Thương "vấp nhưng chưa ngã" dù năm 2016 có một số vấn đề. Ảnh: VGP.

Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đã  trở thành điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng, tăng 11,2%, so với tốc độ tăng 10,5% cùng kỳ. Cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng được đảm bảo. Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng được thực hiện cơ bản tốt.

Về cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, Thủ tướng đánh giá hoạt động của bộ đạt kết quả tốt theo hướng tinh giản và hiệu quả.  Số đầu mối giảm xuống, biên chế và cục, vụ giảm xuống. Bộ đã bỏ nhiều quy định, thủ tục về đầu tư, kinh doanh; khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3-4 của bộ tại một cửa duy nhất. 

Đa cấp lộng hành gây hậu quả xấu cho nền kinh tế

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại. Ngành khai khoáng giảm sút mạnh (gần 6%), trong đó dầu thô giảm gần 10%. Nhiều dự án thuộc ngành công thương bị thua lỗ kéo dài. Một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ, nhất là một số dự án điện của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực và hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, ôtô, thép…

"Đặc biệt, còn diễn ra nhiều vụ lừa đảo trong bán hàng đa cấp gây ra hậu quả xấu cho nền kinh tế", Thủ tướng nói. 

Đối với sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhất là cổ phần hóa, Thủ tướng cho rằng đã được chú trọng một bước nhưng còn chậm, chưa hiệu quả.

"Công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, trong đó có việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc", người đứng đầu Chính phủ cho hay.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trong thời gian tới phải tập trung giải quyết những tồn đọng để sớm thoát ra tình hình tại mười mấy dự án đang nằm ở bộ. Lãnh đạo bộ, các tập đoàn phải tập trung, nêu trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết tồn tại này. Thủ tướng khẳng định "ngân sách không có khả năng và cũng không ném tiền vào các dự án thua lỗ này".

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng được yêu cầu huy động mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp cổ phần hóa, HTX nông nghiệp, HTX công thương tiêu thụ để phát triển ngành công thương Việt Nam. "Nếu cái gì tư nhân làm tốt, có hiệu quả, chúng ta để tư nhân và doanh nhân làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo với Thủ tướng tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay năm 2016, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ với một số thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới nảy sinh. Những yếu tố đó đã tác động đến phát triển kinh tế chung của đất nước. Tăng trưởng GDP cả năm 2016 tăng 6,21%, thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015.

Dù vậy, Bộ trưởng Công Thương đánh giá đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như bãi bỏ những quy định bất hợp lý, không còn phù hợp như quy định cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho từng lô hàng nhập khẩu, chỉ định tổ chức kiểm nghiệm...

"Đến nay, các doanh nghiệp như Habeco, Sabeco đã hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, dự kiến sẽ hoàn thành đúng chỉ đạo của Chính phủ", tư lệnh ngành công thương chia sẻ.

Bộ Công Thương 'cảnh báo' hàng loạt dự án về môi trường

Bộ Công Thương yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty lưu ý công tác bảo vệ môi trường tại các dự án, nhà máy và cần có báo cáo về Bộ trước ngày 30/6.

 

Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm