Trong chuyến công tác tới Bình Dương ngày 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh để nghe báo cáo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.
Bình Dương đã ghi nhận 267 ca nhiễm ở cộng đồng; riêng đợt dịch thứ tư có 221 ca, trong đó có 9 ca ở khu công nghiệp. Các ca bệnh tập trung ở 8 ổ dịch và có nguồn lây từ TP.HCM.
"Phần lớn ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao báo cáo với Thủ tướng.
Quan ngại lây nhiễm trong khu công nghiệp
Với hơn 50.000 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động cộng với việc tiếp giáp TP.HCM và 3 địa phương khác, Bình Dương là nơi có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh các ca bệnh xâm nhập rất lớn.
Điều phải quan tâm hàng đầu là quản lý chặt chẽ việc phòng chống dịch trong các khu công nghiệp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Tỉnh vì thế đã triển khai nhiều giải pháp chống dịch như cho giãn cách xã hội một số địa bàn, xem xét mở rộng các khu cách ly tập trung với phương án lên tới 30.000 giường. Bên cạnh đó, Bình Dương nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị.
Đến nay, Bình Dương đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine cho hơn 43.400 người thuộc nhóm ưu tiên.
Ghi nhận dù phát sinh 221 ca bệnh trong đợt dịch thứ 4, Bình Dương vẫn duy trì phát triển kinh tế, song Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan ngại trước tình trạng lây nhiễm xảy ra cả ở cộng đồng lẫn các nhà máy, khu công nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bình Dương giáp TP.HCM, lại có mật độ dân số cao, nhiều công nhân... Đây là những yếu tố có nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.
"Điều phải quan tâm hàng đầu là quản lý chặt chẽ việc phòng chống dịch trong các khu công nghiệp", Bộ trưởng Y tế nói và dự báo địa phương có thể tiếp tục xuất hiện ca nhiễm mới.
Gợi ý Bình Dương học tập mô hình vừa sản xuất vừa cách ly, Bộ trưởng Y tế cho rằng các khu công nghiệp phải có kịch bản phòng chống dịch, trong đó đưa ra tình huống có ca bệnh mà vẫn đảm bảo sản xuất.
Theo đó, các nhà máy phải đảm bảo 20% công nhân được xét nghiệm luân phiên. Để phát hiện F0 kịp thời, ông Long góp ý tỉnh nên dùng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Đối với các ổ dịch cộng đồng, Bộ trưởng Y tế đề nghị khoanh vùng diện rộng và xét nghiệm kháng nguyên nhanh toàn bộ để đưa ra khỏi cộng đồng những trường hợp nghi nhiễm.
Về việc cách ly F1 tại nhà, ông Long nói mô hình này đang thí điểm và chỉ dành cho nơi có đủ điều kiện, với khu nhà trọ công nhân thì cần cân nhắc.
Chuẩn bị kịch bản cao hơn
Phát biểu kết luận Thủ tướng đánh giá cao kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Tuy nhiên, ông cho rằng Bình Dương chưa có phương án cụ thể cho phòng, chống dịch hiệu quả trong khu công nghiệp. Vì thế, đề nghị tỉnh tập trung xây dựng kịch bản, phương án cho việc này.
Bình Dương phải chuẩn bị kịch bản ở mức cao hơn, nếu không sử dụng thì tốt, khi cần sử dụng cũng không bị lúng túng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu có F0 chưa xác định nguồn lây sẽ rất phức tạp, khó kiểm soát tình hình. Trong khi đó, kiểm soát dịch không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từ nay đến cuối năm, nhất là phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, ông yêu cầu phải dự báo sát tình hình, đưa ra các kịch bản rõ ràng, phù hợp, có tính khả thi, hiệu quả.
Một lần nữa quán triệt thực hiện "mục tiêu kép", Thủ tướng yêu cầu Bình Dương căn cứ tình hình cụ thể để xác định rõ thứ tự ưu tiên, lúc nào ưu tiên chống dịch, lúc nào ưu tiên phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Dương có kịch bản chống dịch cao hơn. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ví dụ, hiện nay có thể ưu tiên chống dịch nhưng khi ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát được tình hình phải ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội.
Giao địa phương tự quyết và tự chịu trách nhiệm, Thủ tướng nhắc nhở nếu cực đoan, hốt hoảng sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực.
Ví dụ với những quyết định phong tỏa sẽ là việc làm "dễ cho quản lý, nhưng khó cho người dân". Vì vậy, tỉnh cần cân nhắc đưa ra quyết sách phù hợp.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bình Dương phải chuẩn bị kịch bản ở mức cao hơn. "Nếu không phải sử dụng đến thì tốt, khi cần phải sử dụng cũng không bị lúng túng", ông nói.
Thủ tướng nhấn mạnh việc quản lý chặt chẽ, đúng quy định khu cách ly, không để lây nhiễm chéo. Các y bác sĩ phải thực hiện nghiêm quy trình, quy định.
Để phục vụ xét nghiệm nhanh trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng cho biết đã đề nghị cơ sở ở Hà Nội nâng công suất sản xuất bộ xét nghiệm nhanh lên 200.000 kit/ngày thay vì 120.000 bộ mỗi ngày như trước đây, để cung cấp ngay cho TP.HCM và Bình Dương.