Sáng 27/6, sau ngày làm việc tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đến thăm tỉnh Bình Dương. Tại đây, đoàn công tác đến kiểm tra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và nhà máy của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), để kiểm tra công tác thực hiện mục tiêu kép của tỉnh.
Bộ trưởng "quyết được việc gì quyết luôn"
Thăm nhà máy của Vinamilk, Thủ tướng đánh giá đơn vị "chống dịch tốt và sản xuất tốt". Ông đề nghị đơn vị tiếp tục giữ vững tinh thần này để người lao động có thu nhập cao hơn, đóng góp cho Nhà nước nhiều hơn.
Đừng việc gì cũng đẩy lên Chính phủ. Tinh thần chung là phân cấp triệt để, kiểm soát đầu ra và hậu kiểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo Thủ tướng, trong điều kiện dịch bệnh, công ty vẫn xây dựng mô hình vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xem chống dịch như chống giặc, không để ngưng trệ sản xuất.
"Đó là thực hiện mục tiêu kép. Việc này rất khó nhưng không còn cách nào khác. Tinh thần là chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch", Thủ tướng nói.
Về đề xuất của Vinamilk liên quan đến phát hành cổ phiếu ưu đãi, Thủ tướng lưu ý phải làm sao để cổ phần Nhà nước vẫn nắm giữ theo nguyên tắc 35%, có quyền phủ quyết. Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu phải thật sự đến tay người lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất của Công ty Vinamilk. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông cũng lưu ý đơn vị này "không thỏa mãn, không chủ quan", tiếp tục đổi mới công nghệ, quản lý, nâng cao thương hiệu, mở rộng thị trường, thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện mới.
Để giải quyết các đề xuất của đơn vị, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đôn đốc, việc gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giải quyết ngay, thuộc thẩm quyền của các bộ thì để bộ quyết.
"Đừng việc gì cũng đẩy lên Chính phủ. Tinh thần chung là phân cấp triệt để, kiểm soát đầu ra và hậu kiểm", Thủ tướng quán triệt.
Nhắc lại thời điểm Vinamilk chưa cổ phần hóa, việc gì cũng phải chờ các bộ và chỉ cần một bộ không đồng ý thì có thể mất thời cơ, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng "quyết được việc gì thì quyết luôn". Với việc không xử lý được, không thuộc thẩm quyền mới trình lên Chính phủ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, phải tăng thẩm quyền cho bộ trưởng thì công việc mới chạy. "Cái gì chưa có luật, vượt quá luật thì vừa làm vừa thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuyển đổi để cách ly F1 tại nhà
Tại cuộc họp này, Thủ tướng cũng đặt ra một vấn đề "có tính chất bước ngoặt" trong phòng chống dịch. Đó là chuyển đổi việc cách ly tập trung F1 sang cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện.
Chấm dứt tình trạng "loay hoay" tổ chức khu cách ly tập trung mấy nghìn người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Dẫn chứng câu chuyện lây nhiễm chéo như ở Bắc Giang, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải chuyển đổi tư duy và chiến lược trong chuyện này.
Ông hoan nghênh Bộ Y tế vừa qua đã ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình cho chủ trương cách ly F1 tại nhà. Theo Thủ tướng, nếu đủ điều kiện, tự nguyện thì phải khuyến khích, chăm sóc y tế phải có đường dây, có sự tham gia quản lý của tổ Covid-19 cộng đồng, chính quyền cơ sở.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công ty Vinamilk. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nhắc đến thực tế Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều khu cách ly tập trung quá đông, nhà vệ sinh phải dùng chung dẫn đến dịch lây lan trong khu cách ly, Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi việc này, chấm dứt tình trạng "loay hoay" tổ chức khu cách ly tập trung mấy nghìn người.
Hôm trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với TP.HCM trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện tại đây đã hơn một tháng. Dù thành phố liên tục nâng các biện pháp giãn cách, số ca nhiễm vẫn tăng. Ngày 26/6, TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục với 667 ca, hầu hết ở trong khu cách ly, phong tỏa.
Tại Bình Dương, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp. Từ 27/4 đến nay, tỉnh này ghi nhận 226 ca mắc Covid-19 với nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa.