Đáp chuyến bay đến TP.HCM sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay ngay vào việc đi thị sát và nghe lãnh đạo thành phố báo cáo tình hình phòng chống dịch.
Chuyến làm việc của Thủ tướng tại TP.HCM cách lần trước đó chừng 1 tháng rưỡi. Đây cũng là khoảng thời gian TP.HCM bị cuốn dần vào làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với hàng nghìn ca mắc mới.
Điểm lại năng lực của thành phố
Từ sáng đến chiều tối 26/6, đoàn xe tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính có một ngày di chuyển như con thoi từ ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM đến nhà máy sản xuất vaccine Nanogen, qua khu chế xuất Linh Trung rồi lại trở về họp trực tuyến tại trụ sở UBND TP.HCM.
"Có đảm bảo đủ không?", "Có bị ảnh hưởng gì không?"... Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra rất nhiều câu hỏi định lượng cho những người mà ông gặp khi thị sát TP.HCM. Từ lãnh đạo thành phố, chủ doanh nghiệp cho tới người phụ trách một phân đoạn trong công xưởng.
Phải tạo việc giải trí, học tập, trao đổi thông tin qua mạng cho người cách ly. Văn hóa tinh thần không có là dễ ức chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Tại nhà máy của Công ty Nissei Electric, ông Phạm Minh Chính nhận được câu trả lời của chủ doanh nghiệp rằng họ vẫn duy trì được sản xuất với doanh thu đã phục hồi so với đợt dịch năm 2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 nhiệm vụ tại nơi sản xuất là chung tay chống dịch cùng TP, duy trì được sản xuất kinh doanh và đảm bảo đời sống cho công nhân.
"Chính phủ muốn đảm bảo đời sống cho công nhân, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của họ quá nhiều", Thủ tướng nhắn nhủ với lãnh đạo doanh nghiệp.
Tại khuôn viên khu cách ly của ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, Thủ tướng hỏi Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức về cách sắp xếp chỗ ăn ở cho người cách ly và điều kiện sinh hoạt của họ. Qua đó, ông được biết khu cách ly này đang bố trí cho 2 người ở một phòng, tại mỗi phòng có nhà vệ sinh riêng; tất cả phòng được trang bị Wi-Fi để cho người dân giải trí và học tập.
Dù việc để 2 người ở chung phòng vẫn hiện hữu nguy cơ lây nhiễm, Thủ tướng nhận định điều kiện như vậy là hơn nhiều so với việc 4 người ở một phòng như nhiều tỉnh thành khác. Ngoài ra, việc mỗi phòng có nhà vệ sinh riêng cũng là điểm cộng, giúp hạn chế nguy cơ lây chéo.
"Phải tạo việc giải trí, học tập, trao đổi thông tin qua mạng cho người cách ly. Văn hóa tinh thần không có là con người dễ ức chế", Thủ tướng yêu cầu, đồng thời nhận định việc không đảm bảo đời sống tinh thần có thể là nguyên nhân khiến người cách ly qua lại, giao lưu với nhau, thậm chí trốn khỏi nơi cách ly.
Khi thấy TP.HCM cần sử dụng bộ xét nghiệm nhanh để tách F0 khỏi cộng đồng nhưng còn hạn chế về nguồn cung, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị doanh nghiệp sản xuất bộ xét nghiệm nhanh ở Hà Nội phải đẩy nhanh công suất, chuyển ngay các bộ xét nghiệm nhanh này vào TP.HCM bằng đường hàng không.
"Sáng sản xuất, chiều chuyển những bộ xét nghiệm nhanh vào TP.HCM", Thủ tướng chỉ đạo.
Đường phố TP.HCM vắng vẻ trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 10. Nhà hàng, quán cà phê chưa được mở lại. Dấu vết của dịch bệnh vẫn hiện rõ trên từng con phố mà đoàn xe của người đứng đầu Chính phủ đi qua.
Đốc thúc tiến độ vaccine "made in Việt Nam"
"Phải đẩy nhanh quy trình thử nghiệm lâm sàng vaccine. Trong lúc 'nước sôi lửa bỏng' thì phải chạy, phải tăng tốc hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi có mặt tại trụ sở Công ty Nanogen - doanh nghiệp đang đề nghị cấp phép cho dòng vaccine Nano Covax được lưu hành.
Trong lúc 'nước sôi lửa bỏng' thì phải tăng tốc hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nhấn mạnh miễn dịch cộng đồng là yêu cầu rất lớn, nguyên tắc của Việt Nam là miễn phí cho toàn dân. Chiến lược vaccine của Việt Nam là nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất nội địa. Đây là chiến lược vừa có tính chất trước mắt, vừa có tính lâu dài.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu sẽ còn kéo dài đến tháng 9. Việt Nam đã cố gắng tiếp cận tất cả kênh. Vừa qua, trong tất cả cuộc hội đàm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập đến vấn đề vaccine.
Với tình hình đó, Việt Nam phải chủ động, sản xuất trong nước. Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương liên quan phải tạo điều kiện tốt nhất có thể cho doanh nghiệp để sản xuất nhanh nhất vaccine, giúp Việt Nam chủ động.
Thủ tướng cho biết Chính phủ khuyến khích việc tiếp cận mọi nguồn vaccine nhưng tránh cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân. Bộ Y tế là đầu mối quản lý Nhà nước về chất lượng, cấp phép và điều phối, kiểm soát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình.
Đánh giá nguy cơ của cả vùng đô thị TP.HCM
Kết thúc chuyến thị sát trên địa bàn thành phố, Thủ tướng trở về trụ sở UBND TP.HCM lúc 14h để chủ trì cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM và 7 tỉnh lân cận.
TP.HCM và 7 tỉnh trong khu vực phải dập tắt đợt dịch lần thứ 4 càng nhanh càng tốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đây là các địa phương thuộc vùng đô thị của thành phố bao gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho biết trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, trực tiếp mọi mặt, kịp thời với mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, không để ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong bối cảnh TP.HCM và 7 tỉnh còn lại có mối liên hệ kinh tế - xã hội chặt chẽ. Thủ tướng nhận định các diễn biến tại một địa phương có thể ảnh hưởng đến toàn vùng.
“Tinh thần chung là TP.HCM và 7 tỉnh trong khu vực phải ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch lần thứ 4 này càng nhanh càng tốt. Căn cứ vào tình hình thực tế, các đồng chí có thể đặt ra mục tiêu phù hợp cho địa phương mình”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiệm vụ cho lãnh đạo các tỉnh có mặt tại cuộc họp.