Tại buổi khởi công dự án vành đai 4 - vùng thủ đô và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, vào sáng 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng lễ khởi công mới là thắng lợi bước đầu bởi khối lượng công việc còn lại là rất lớn. Hai tuyến có tổng chiều dài khoảng 140 km, kinh phí hơn 91.000 tỷ đồng và có ý nghĩa khác nhau ở 2 miền đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời nhấn mạnh yếu tố giải phóng mặt bằng diện tích còn lại, đảm bảo nguyên vật liệu trong quá trình thi công... đòi hỏi đơn vị chức năng phải làm quyết liệt, triệt để.
Mục tiêu năm 2025 có 3.000 km cao tốc
Theo Thủ tướng, việc đồng loạt khởi công 2 công trình vào sáng nay cùng các dự án trọng điểm trong tháng 6 nằm trong định hướng xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược. Đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết giai đoạn 2000-2021, cả nước đã hoàn thành đưa vào khai thác hơn 1.100 km đường cao tốc. Mạng lưới này hiện được đặt mục tiêu tăng lên 5.000 km vào năm 2030, trong đó đến 2025 cả nước cần có 3.000 km. Theo kế hoạch này, trong 5 năm từ 2021 đến 2025, số km cao tốc phải đầu tư xây dựng sẽ gấp gần 2 lần hơn 20 năm qua, theo Thủ tướng.
“Con số của 20 năm trước tuy không lớn nhưng để lại nhiều bài học quý báu, từ đó chúng ta rút kinh nghiệm để triển khai giai đoạn sau”, người đứng đầu Chính phủ nói đồng thời nhấn mạnh tinh thần khối lượng công việc nhiều nhưng không cầu toàn, nóng vội.
Tổng thể hướng tuyến và phạm vi dự án vành đai 4 - vùng thủ đô. |
Để thực hiện mục mục tiêu trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay cả nước đã đưa vào khai thác thêm 566 km cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc được khai thác lên 1.729 km. Đồng thời, còn có 350 km đang thi công và 1406 km cao tốc được khởi công từ đầu năm đến nay. Thủ tướng nhận định nếu tiếp tục phấn đấu, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000 km là có thể thực hiện được.
"Ngoài ra, còn gần 300 km đang được nghiên cứu và chuẩn bị phê duyệt”, Thủ tướng thông tin thêm.
Mặt bằng còn lại không nhiều nhưng là việc khó
Đối với 2 dự án cao tốc được khởi công vào sáng nay, Thủ tướng cho rằng đây là những dự án quan trọng nhưng mỗi dự án đều có ý nghĩa khác nhau.
Với vành đai 4 - vùng thủ đô, ông cho rằng công trình giúp giải tỏa ách tắc giao thông hiện nay, kết nối liên vùng và tạo ra không gian phát triển mới ở những nơi có điều kiện, tiềm năng nhưng giao thông còn ách tắc. Trong khi đó, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ tạo nên một tuyến đường “thẳng tắp” giúp kết nối các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long, giúp mở rộng giao thương tạo ra các khu công nghiệp, đô thị dịch vụ theo đúng quy hoạch vùng.
Quá trình chuẩn bị triển khai dự án, Thủ tướng đánh giá cao công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương khi đạt 70-80% mặt bằng được giải phóng cho 2 tuyến đường trước lễ khởi công. Trong đó, ông bày tỏ ấn tượng với tốc độ của Hà Nội bởi thành phố có khối lượng GPMB lớn, nhiều mộ chí cần di dời. Trước đây, nhiều công trình tại thủ đô mất hàng chục năm chưa hoàn thành công tác này, nhưng với vành đai 4 chỉ sau hơn một năm, Hà Nội đã có trên 80% mặt bằng được giải tỏa.
“Đồng chí nào từng trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng sẽ thấy nhiều việc lắm, đặc biệt là khâu di dời mồ mả. Giải phóng mặt bằng với người sống đã khó nhưng người đã khuất còn khó hơn”, Thủ tướng nói đồng thời đánh giá cao sự phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống tỉnh, thành, sau đó là huyện, thị và xã, phường.
Thủ tướng cùng đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: VGP. |
Tuy nhiên, những con số GPMB cùng lễ khởi công theo Thủ tướng mới là thắng lợi bước đầu bởi công việc tiếp theo là rất lớn.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ ngành và địa phương có dự án đi qua, ông yêu cầu đơn vị chức năng cần tiếp tục hoàn thành công tác GPMB, tái định cư cho người dân sao cho vị trí mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Diện tích còn lại không nhiều so với tổng diện tích cần GPMB, nhưng đây lại là phần việc khó. Do vậy, Thủ tướng gợi mở chính quyền các cấp phải làm quyết liệt, đi kiểm tra thực tế nơi ở mới của người dân, không để tình trạng người dân di dời là xong.
Từ thực tế 2 năm thường xuyên đi kiểm tra và gỡ vướng cho các dự án cao tốc, Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị đẩy đủ nguyên vật liệu như đá, cát sỏi, đất.
“Vừa qua tôi đi chỉ đạo thường xuyên thì thấy đây là yếu tố dẫn tới ách tắc, phải giải quyết ngay tại hiện trường trường bởi nhiều quy định của chúng ta còn chồng chéo”, Thủ tướng phát biểu và yêu cầu chính quyền địa phương phải quản lý và giao nguồn vật liệu sát sao, tránh tham nhũng tiêu cực.
Với khối lượng thi công lớn, thời gian không dài, các nhà thầu được yêu cầu phải vượt qua thách thức về thời tiết, làm 3 ca 4 kíp, làm hết việc chứ không làm hết giờ.
Trước khi tuyên bố khởi công 2 dự án, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh thêm một số phần việc như: Chính quyền các cấp việc trong thẩm quyền phải xử lý, việc vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay cấp trên; tuyệt đối không được đội vốn bất hợp lý, chia nhỏ gói thầu…
Tại buổi khởi công, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết đến nay, sau 1 năm 9 ngày triển khai, dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô đã giải phóng mặt bằng toàn tuyến đạt trên 80%, trong đó Hà Nội đạt trên 84%, cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%.
Ông Thanh cho biết Hà Nội đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về đường vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 đến 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND Hà Nội đề cao việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập. Từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, Hà Nội xác định công tác GPMB là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, Hà Nội đã đề xuất thực hiện tách công tác GPMB thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện GPMB ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng việc tách GPMB thành dự án độc lập mới chỉ được thực hiện ở dự án nhóm A, Hà Nội hiện có nhiều dự án nhóm B "cũng rất muốn làm nhưng cơ sở pháp luật chưa cho phép".
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.