Reuters cho biết Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 3/8 đã chính thức thông báo việc cải tổ nội các nước này.
Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó thủ tướng Taro Aso sẽ tiếp tục giữ các vị trí này. Ông Aso đã nắm giữ các chức vụ trên từ khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Trong khi đó, ông Hiroshige Seko được tái bổ nhiệm là Bộ trưởng Thương mại.
Hai người được bổ nhiệm mới là ông Taro Kono cho vị trí ngoại trưởng và cựu bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera trở lại vị trí này, thay thế bà Tomomi Inada mới từ chức tuần trước.
Tân Ngoại trưởng Kono nổi tiếng vì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và tính cách thẳng thắn, không ngại phát biểu ngay cả những vấn đề nhạy cảm.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Tân Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi, 61 tuổi, từng giữ chức bộ trưởng thương mại dưới chính quyền của Thủ tướng Abe vào năm 2012 và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bà Seiko Noda, 56 tuổi, là tân Bộ trưởng Nội vụ trong nội các mới. Từ lâu, bà được coi là ứng viên sáng giá để kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe. Bà đắc cử nghị sĩ vào năm 1993 và trở thành người phụ nữ đầu tiên bước chân vào Hạ viện Nhật Bản. Sự xuất hiện của bà được cho là để nhắm tới các nữ cử tri.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Inada đã phải từ chức vì vụ bê bối xoay quanh tài liệu quân sự. Bà Inada, từng được coi là ứng viên hàng đầu kế nhiệm ông Abe, bị cáo buộc che giấu báo cáo của lực lượng gìn giữ hòa bình Nhật Bản ở Nam Sudan về tình hình an ninh ngày một tồi tệ.
Ngày 2/8, Chánh văn phòng Nội các Suga cho biết Thủ tướng Abe sẽ cải tổ nội các để "thúc đẩy những cải cách dưới đội ngũ mới".
Theo ông Suga, ưu tiên của nội các mới sẽ là khôi phục nền kinh tế. Kế hoạch này cũng bao gồm việc đảm bảo an ninh quốc gia. AFP nhận định chính phủ Nhật muốn nhắm đến những vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên.
Đầu ngày 3/8, trước khi nội các mới được công bố chính thức, thủ tướng nói rằng ông "hối hận sâu sắc vì những thiếu sót của mình đã gây ra tình trạng hôm nay".
Tỷ lệ ủng hộ trong dân chúng đối với nội các của ông Abe đang suy giảm nghiêm trọng trong vài tháng qua. Đảng Dân chủ Tự do của ông đã "nếm mùi" cơn giận của người dân trong các cuộc bầu cử địa phương ở Tokyo cách đây một tháng.
Các lãnh đạo Nhật Bản thường điều chỉnh nội các trong những thời điểm khó khăn. Dù vậy, AFP dẫn lời các nhà phân tích chính trị cho rằng các thay đổi khó mà kéo ông Abe ra khỏi rắc rối hiện tại.
Thủ tướng Abe, một người dân tộc chủ nghĩa đã tạo dựng sự nghiệp bằng thái độ cứng rắn đối với Triều Tiên và mong muốn sửa đổi hiến pháp để làm rõ vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Tháng 12/2012, ông Abe lần thứ hai trở thành thủ tướng Nhật với lời hứa làm "hồi sinh" nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.