Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tỷ lệ tử vong là bài học lớn cho y tế Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 của Việt Nam hiện nay là 2,4%. Tuy nhiên, ông tin tưởng ngành y tế sẽ kéo giảm tỷ lệ này.

Thu truong Bo Y te Nguyen Truong Son anh 1

Trong đợt dịch thứ 4, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đã khiến hệ thống y tế phải đối phó rất gấp rút, có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ F0. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong của Việt Nam hiện ở mức cao. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận đây là bài học rất lớn cho hệ thống y tế để đưa ra những quyết sách chống dịch giai đoạn tới.

Nhìn lại hơn 4 tháng chống dịch tại các tỉnh, thành phía nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định một trong những chiến lược rất quan trọng để kiểm soát dịch là xét nghiệm diện rộng, bởi "ra trận phải thấy địch mới đánh được địch". Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc xét nghiệm diện rộng đã giúp cơ quan chức năng đánh giá đúng tình hình các khu vực, nhờ đó, TP.HCM giảm được thời gian giãn cách xã hội, giảm tỷ lệ tử vong.

Không để phí một liều vaccine nào

- Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, theo ông, những thời điểm nào mang tính quyết định với TP.HCM và cần có sự điều chỉnh về chính sách trong chống dịch?

- Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây ra những khó khăn rất lớn cho hệ thống chính trị cũng như ngành y tế. Trong 3 đợt dịch trước, từ đầu năm 2020 đến tháng 4/2021, chúng ta đều áp dụng thành công phương châm “ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều trị” và đạt được những thành công bước đầu.

Tuy nhiên, làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng Delta có rất nhiều đặc tính gây lo ngại cho hệ thống y tế.

Biến chủng Delta có rất nhiều đặc tính gây lo ngại cho hệ thống y tế

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn

Biến chủng này đã xuất hiện ở Ấn Độ từ đầu năm 2021 và có nồng độ virus tập trung rất lớn trên đường hô hấp - hơn 1.000 lần so với các biến chủng trước đây. Vòng lây nhiễm của biến chủng này cũng rất nhanh, chỉ từ 2-3 ngày, so với các chủng trước đây là từ 5-7 ngày.

Tỷ lệ lây nhiễm từ một người có thể lây sang 9-10 người và phần lớn trường hợp không triệu chứng vẫn có khả năng lây lan rất mạnh trong cộng đồng. Đây là thách thức lớn với công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong giai đoạn này, chúng ta đã áp dụng những biện pháp quyết liệt trên tinh thần chỉ đạo từ hệ thống chính trị đến các ban chỉ đạo phòng chống dịch ở Trung ương, các địa phương. Đặc biệt, ngành y tế đã vào cuộc rất nhanh, quyết liệt từ giai đoạn đầu.

Thu truong Bo Y te Nguyen Truong Son anh 2

Thời gian qua, ngành y tế tập trung vaccine để tiêm cho khu vực phía nam, đặc biệt là TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi số lượng F0 tăng nhanh, đặc biệt tại TP.HCM, việc cách ly được thực hiện linh hoạt: Tại khu cách ly tập trung, cách ly y tế một vùng dân cư, và cách ly tại nhà.

Bên cạnh đó, chiến lược xét nghiệm diện rộng được triển khai quyết liệt.

Từ đầu dịch, tại TP.HCM và các địa bàn khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch, Bộ Y tế, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và sau này là Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ ở 19 tỉnh, thành phía nam đã tổ chức, chỉ đạo chiến lược xét nghiệm trên nguyên tắc thần tốc, khoa học, hiệu quả, hợp lý. Chúng ta đã đạt được hiệu quả đáng mừng thời gian qua tại TP.HCM và các địa bàn xung quanh, dẫn đến giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Trường hợp mắc Covid-19 được thu dung, điều trị trong hệ thống điều trị 3 tầng. Trong đó, trung tâm hồi sức là tầng 3; tầng 2 là các bệnh viện dã chiến tại quận, huyện, bệnh viện của TP, địa phương và tầng 1 là những trung tâm thu dung cách ly F0 có triệu chứng nhẹ.

Cuối cùng, chương trình tiêm chủng vaccine ưu tiên cho các địa phương có dịch và nhóm đối tượng ưu tiên được triển khai nhanh chóng.

Chúng ta không để phí một liều vaccine nào và tất cả vaccine đã được cấp phép sớm, đưa vào sử dụng trên nguyên tắc "vaccine hiệu quả nhất là vaccine sớm nhất". Mục đích là khuyến khích người dân cùng đồng hành với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn các khu vực phía nam.

Ra trận phải thấy địch mới đánh được

- Những quyết định nào mang tính bước ngoặt để có thể giảm tỷ lệ tử vong ở TP.HCM cũng như các tỉnh phía nam?

- Theo tôi, đầu tiên là việc giãn cách xã hội rất tốt tại TP.HCM và 19 tỉnh, thành phía nam đã giúp hạn chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Việc tuân thủ nghiêm túc tất cả hướng dẫn về giãn cách xã hội cũng như cách ly thời gian qua đã được chính quyền các cấp từng bước thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Xã/phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, và chiến thắng dịch Covid-19 là chiến thắng của toàn dân.

Bên cạnh đó, chiến dịch xét nghiệm diện rộng đã được thực hiện quyết liệt trong từng thời kỳ, đúng trọng tâm, trọng điểm và cố gắng làm sao xét nghiệm, phát hiện F0 đi trước sự lây lan của virus. Với vùng đỏ, vùng cam, chúng ta xét nghiệm 48 giờ/lần, và vùng xanh, vàng thì xét nghiệm mẫu đơn/gộp bằng test nhanh hoặc RT-PCR.

Thu truong Bo Y te Nguyen Truong Son anh 3

Việc tổ chức xét nghiệm diện rộng giúp ngành y tế sớm phát hiện F0 để xử trí kịp thời. Ảnh: Duy Hiệu.

Chúng ta ra trận thì phải tìm thấy địch mới đánh được. Việc phát hiện F0 trong cộng đồng là cần thiết để tổ chức cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.

Khi phát hiện sớm, F0 được tổ chức chăm sóc y tế, nhận gói an sinh xã hội, gói thuốc để người bệnh tự theo dõi, điều trị ở nhà và điều trị trong mô hình 3 tầng hiệu quả.

Tại TP.HCM, chúng tôi phân công các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với các bệnh viện ở các tầng dưới, tạo nên một hệ thống “bệnh viện chị em”. Mô hình này yêu cầu luôn có sự trao đổi hội chẩn, tập huấn đào tạo cũng như chi viện kịp thời để phát hiện trường hợp bệnh nặng ở tuyến dưới, đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

- Hiện tại, tỷ lệ nhiễm và tử vong của Việt Nam so với thế giới ra sao, thưa ông?

- Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tỷ lệ tử vong bình quân trên thế giới là 2,1%. Thời gian qua, chúng ta có khoảng 787.000 ca mắc và số lượng tử vong khoảng hơn 19.000 người. Như vậy, tỷ lệ tử vong khoảng 2,4% (đến 30/9).

Có nhiều nguyên nhân để đánh giá tỷ lệ tử vong của chúng ta.

Đầu tiên, một số địa phương chưa làm xét nghiệm nên chưa thống kê được toàn bộ người bị nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy hoàn toàn có khả năng kéo giảm tỷ lệ này trong thời gian tới

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Thứ hai, trong một khoảng thời gian, hệ thống y tế phải đối phó rất gấp rút và kịch liệt nên có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ F0 khi bị nhiễm bệnh.

Chúng tôi nhận thấy hoàn toàn có khả năng kéo giảm tỷ lệ này trong thời gian tới. Hiện, tỷ lệ tử vong của chúng ta đứng thứ 155/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chúng tôi cũng nghĩ đây là bài học rất lớn cho hệ thống y tế Việt Nam để chuẩn bị ứng phó với dịch Covid-19 thời gian tới.

Xét nghiệm diện rộng giúp giảm thời gian giãn cách

- Chiến lược xét nghiệm thần tốc có phải xuất phát từ kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng...?

- Việc xét nghiệm diện rộng thực ra đã bắt đầu từ những đợt dịch trước.

Khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, đối mặt với biến chủng Delta thì việc làm mẫu gộp RT-PCR rồi giải gộp thì rất mất thời gian, sớm nhất cũng gần 2 ngày. Khả năng lây lan của biến chủng này chỉ 48 giờ nên khi phát hiện trường hợp nhiễm thì chúng ta đã mất một khoảng thời gian quý giá để ngăn chặn dịch trong xã hội.

Chính vì vậy, từ khi ở Bắc Giang, ở vùng đỏ, cam, chúng ta đã sử dụng test nhanh. Sau này, việc áp dụng chiến thuật test nhanh ở vùng đỏ, cam trên diện rộng cũng rất thành công.

Ví dụ, gần đây, Hà Nội chỉ trong vòng một tuần đã phối hợp test nhanh và RT-PCR để xét nghiệm số lượng lớn. Toàn bộ người dân đã được xét nghiệm, góp phần ngăn chặn dịch ở giai đoạn mới chớm của Hà Nội.

Thu truong Bo Y te Nguyen Truong Son anh 4

Hơn 50% số lượt người được xét nghiệm tại TP.HCM đã tự lấy mẫu mà không cần nhân viên y tế trợ giúp. Ảnh: Duy Hiệu.

Còn tại TP.HCM, dịch đã ngấm rất sâu, rộng trong cộng đồng. Do đó, Bộ đề xuất và Thủ tướng đã có chỉ đạo xét nghiệm thần tốc, diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm trong Công điện 1099, Công điện 1102.

Chúng tôi đã triển khai quyết liệt với khoảng 7,5 triệu test ở các vùng nguy cơ rất cao và cao tại TP.HCM. Con số đạt được là tỷ lệ dương tính được kéo giảm từ 3,7% xuống 0,1%. Một số vùng còn rất thấp.

Chúng ta cũng đã lên kế hoạch để tiếp tục duy trì các chiến lược về xét nghiệm để đảm bảo kiểm soát an toàn dịch Covid-19 trong tình hình mới.

- Kết quả xét nghiệm diện rộng tại TP.HCM những ngày qua đã giúp TP đưa ra những quyết định quan trọng thế nào?

- Xét nghiệm trên diện rộng với trọng tâm, trọng điểm là việc làm cần thiết trong chống dịch thời gian qua.

Việc xét nghiệm diện rộng giúp TP.HCM và các tỉnh phía nam thời gian qua giảm bớt số lượng ca mắc Covid-19. F0 được phát hiện sớm để phát gói thuốc, đảm bảo an sinh xã hội và điều trị phù hợp. Khi F0 có triệu chứng bất thường sẽ được hệ thống y tế tiếp cận nhanh chóng, đưa đến bệnh viện kịp thời, góp phần giảm bệnh nhân chuyển nặng và tỷ lệ tử vong.

Xét nghiệm trên diện rộng với trọng tâm, trọng điểm là việc làm cần thiết trong chống dịch thời gian qua

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn

Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận những con số rất ấn tượng.

Đầu tháng 8, khi bắt đầu chiến lược xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ dương tính của TP.HCM là từ 3,7%. Đến 30/8, con số này giảm xuống 1,1%. Từ 31/8 đến 30/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đến 30/9, tỷ lệ này giảm còn 0,1%.

Số lượng tử vong tại TP.HCM thời điểm cao nhất là 335 người, đến 30/9 cũng giảm xuống còn 96 người - chỉ hai con số.

Tình hình dịch bệnh TP.HCM 22/8 tới nay
Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM
Nhãn 22/8 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9 5/9 6/9 7/9 8/9 9/9 10/9 11/9 12/9 13/9 14/9 15/9 16/9 17/9 18/9 19/9 20/9 21/9 22/9 23/9 24/9 25/9 26/9 27/9 28/9 29/9 30/9 1/10 2/10
Ca nặng thở máy Ca 2519 2563 2609 2639 2697 2739 2246 2372 2752 2699 3369 4172 2266 2706 2915 5196 3616 2793 2783 2790 2690 2616 2576 2529 2544 2514 2420 2350 2342 2234 2174 2056 2037 2049 1918 1856 1793 776 754 722 718 718
Ca tử vong trong ngày
340 292 266 242 287 271 256 245 335 303 217 250 256 222 233 253 268 203 195 188 200 228 199 189 160 166 165 182 163 184 181 175 140 123 131 122 131 113 105 96 123 79
Ca nhiễm mới trong ngày
4193 4251 4627 5294 3934 5383 5481 4957 5889 5444 5368 5963 8499 4104 6223 7122 7310 7380 5549 7539 5629 6158 5446 6312 5301 5735 5972 4237 5496 5171 6521 5435 5052 3786 4050 5121 4135 3794 4699 4372 3670 2723
Ca xuất viện
1742 1671 2071 2309 2121 2236 2643 2246 2372 3053 2699 3369 4172 2266 2706 2915 5196 3616 3116 3700 3392 2925 2553 3100 2506 2507 3287 2270 2637 2301 2725 3258 3260 3607 3495 2936 3131 3708 3766 2866 3064 4069

Đây là thành quả rất tự hào của không chỉ ngành y tế mà cả các lực lượng hỗ trợ như quân đội, công an. Từ 1/10, người dân TP.HCM được trở lại trạng thái bình thường mới.

Xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP.HCM thời gian qua đã đem lại 2 lợi ích cực kỳ to lớn với xã hội. Đó là giúp giảm thời gian giãn cách xã hội. Đây chính là biện pháp làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội, đời sống của người dân TP.HCM thời gian qua.

Thứ hai, chúng ta đã hỗ trợ được các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 từ nhà đến khu cách ly y tế, phát hiện các triệu chứng trở nặng và đưa vào cơ sở điều trị để cứu chữa người bệnh, giảm bớt tỷ lệ tử vong.

Chúng tôi cũng đã tổ chức hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm và kết quả cũng rất đáng mừng là hơn 50% số lượt người được lấy mẫu tại TP.HCM đã tự lấy mẫu. Việc này giúp ngành y tế bớt nguồn nhân lực tham gia công tác lấy mẫu, cũng như giúp cho việc tránh lây nhiễm chéo khi tập trung đông người để lấy mẫu xét nghiệm.


TP.HCM đề xuất nới điều kiện tham gia hoạt động công cộng

TP.HCM kiến nghị người đã tiêm 2 liều vaccine được tham gia hoạt động công cộng mà không cần đủ 14 ngày tính từ thời điểm tiêm mũi 2.

Thu Hằng ghi

Bạn có thể quan tâm