Sáng 2/10, lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu TP.HCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến, trước thềm kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Cuộc tiếp xúc nhằm lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Các địa phương thống nhất, không chia cách, cát cứ
Lắng nghe ý kiến và đề xuất của hơn 10 doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành hơn 30 phút để chia sẻ ý kiến về những vấn đề mấu chốt giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Ghi nhận chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, song Chủ tịch nước thẳng thắn nhìn nhận quy mô và tính kịp thời của chính sách còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Ông nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Nợ công, lạm phát, bội chi ngân sách là những vấn đề lớn cần tính toán”, ông nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc dòng người di chuyển ồ ạt từ TP.HCM về các tỉnh không chỉ đe dọa dịch bùng phát trở lại mà còn làm đứt gãy chuỗi lao động. Ảnh: H. Vũ. |
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước lưu ý phải ổn định trật tự, an toàn xã hội sau câu chuyện người dân từ TP.HCM di chuyển về quê rất rầm rộ, căng thẳng và đây đã là đợt thứ 3 xảy ra tình trạng này. Chủ tịch nước đề nghị công an, quân đội cùng các cấp và lực lượng quan tâm, tạo điều kiện cho người dân di chuyển an toàn, thuận lợi.
“Việc dòng người di chuyển ồ ạt từ TP.HCM về các tỉnh không chỉ đe dọa dịch bùng phát trở lại mà còn làm đứt gãy chuỗi lao động. TP.HCM phải phối hợp tốt với các địa phương để hỗ trợ người dân, giữ chân người lao động ở lại thành phố”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Song song với đó, các cấp chính quyền và người dân phải tích cực ngăn chặn dịch bệnh chủ động hơn, tiêm vaccine tập trung; đẩy mạnh 5K, không để dịch bùng phát trên quy mô lớn.
“Lúc này giải pháp quan trọng là ưu tiên cao nhất vaccine cho doanh nghiệp và người lao động để giúp doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất sớm nhất có thể”, Chủ tịch nước lưu ý.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp. Ảnh: H.Vũ. |
Chủ tịch nước nhấn mạnh không thể loại bỏ hoàn toàn virus nCoV nên để thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19 ở phạm vi quốc gia và phạm vi thành phố, cần có biện pháp cụ thể hóa chiến lược này để có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán, xuyên suốt đi liền với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, quận, huyện.
“Trước khi bước vào sản xuất kinh doanh phải rà soát tính an toàn, không vì kinh doanh mà vi phạm quy định phòng, chống dịch. Các cấp quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện cho di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục, mở dần các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho người đã tiêm 2 mũi vaccine có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các loại hình phương tiện vận tải với giám sát y tế an toàn”, Chủ tịch nước nói.
Một lần nữa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quan điểm không nên áp dụng giãn cách xã hội quá dài, phạm vi quá rộng khi dịch bệnh dần được kiềm chế; cần nghiên cứu các nước để triển khai hộ chiếu vaccine. Và đặc biệt, ông yêu cầu các địa phương phải thống nhất, không chia cách, không cát cứ.
Cuối bài phát biểu, người đứng đầu Nhà nước thể hiện sự tin tưởng về tín hiệu tích cực về sản xuất kinh doanh trong quý IV.
Kiến nghị hỗ trợ người lao động quay lại TP.HCM được tiêm vaccine
Trước đó, báo cáo khái quát về tác động của đại dịch cũng như việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho biết đến tháng 8, có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính, người lao động gặp khó khăn do mất việc, không có thu nhập tăng cao áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố.
Số người lao động phải rời thành phố về quê nương nhờ gia đình ước tính vài trăm nghìn người. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch bị sang chấn tâm tý, không muốn quay lại.
“Đây sẽ là khó khăn lớn khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất trở lại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phục hồi kinh tế thành phố trong thời gian tới”, ông nhận định.
Hơn 150 đại diện doanh nghiệp tham dự cuộc tiếp xúc cử tri doanh nghiệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. |
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh.
“Vừa qua, nhiều cơ quan ban hành các ứng dụng, chồng chéo, cát cứ dữ liệu, rất nhiều ứng dụng làm rối loạn, người dân không biết sử dụng ứng dụng nào là đúng, là phù hợp”, ông Dũng nêu thực tế.
Nhắc đến tình trạng người lao động tại TP.HCM về quê do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 một cách tự phát, ông Dũng cho rằng việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Ông đề nghị Chính phủ và TP.HCM cũng như các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thể quay lại doanh nghiệp sản xuất sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP.HCM, chia sẻ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến việc giãn cách, phong tỏa diện rộng kéo dài, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ.
Theo bà Chi, việc thay đổi chiến lược chống dịch và khởi động, mở cửa lại nền kinh tế TP.HCM là rất cấp bách. Bà kiến nghị cho phép doanh nghiệp được quyền chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và tự chịu trách nhiệm.
Nêu thực tế vừa qua quy định không thống nhất giữa các tỉnh, thành gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, bà Chi kiến nghị Chính phủ quán triệt tất cả tỉnh thành, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không được tự ý quy định trái với quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang) kiến nghị chính quyền TP.HCM sớm có chính sách hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thành phố được tiêm vaccine.
“Chính sách này không những tạo việc làm, thu nhập cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp có được lực lượng lao động cần thiết, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm an toàn lao động trong doanh nghiệp”, bà nêu quan điểm.