Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư tình của Hoàng hậu Nam Phương

Mở đầu thư, Hoàng hậu thường âu yếm gọi chồng bằng "Anh yêu" (Chéri), hoặc "Anh yêu của em" (Mon chéri). Lần khác, bà viết rất thân mật là "Cục cưng của em" ("Mon chou”).

Ngày 24-4-1949, cựu hoàng Bảo Đại lên chuyến bay từ phi trường Marignane về nước, không có Hoàng hậu và các con ra tiễn đưa, vì từ Cannes ra phi trường Marignane (thành phố Marseille) xa 175 km, rất bất tiện nếu không có phương tiện của nhà cầm quyền tổ chức đưa đón.

Hai ngày sau khi ông Bảo Đại lên máy bay về nước, Hoàng hậu viết thơ tâm sự với chồng: "Cannes, ngày 26 tháng 4 năm 1949. Anh yêu, Các con rất buồn vì không được báo trước là máy bay của anh sẽ bay qua nhà vào lúc nào, nhưng Bambinette (Phương Liên) có nhìn qua cửa sổ. Khi em về đến nhà thì thấy con đang khóc. Hai mẹ con đều rất buồn. Tất cả các con đều xin em dẫn ra nhà thờ cầu nguyện cho anh lúc 11 giờ.

Hoang hau Nam Phuong anh 1

Thơ ngày 30–5–1949 trong đó Hoàng hậu âu yếm gọi chồng bằng “Cục cưng của em” Nguồn: Cung Nam Phương Đà Lạt.

Vắng anh, căn nhà có vẻ trống trải quá và rộng mênh mông. Em ăn suốt buổi chiều, và sau bữa ăn tối, em cho các con xem phim một chút. Bà C. (1) bất ngờ tới thăm em trong 15 phút, tình bạn ân cần của bà cũng an ủi em phần nào. Lúc 9 giờ rưỡi tối, từ sân thượng, các mẹ con xem bắn pháo bông thật đẹp, và thấy nhà thờ Đức Bà Suquet (2) sáng rực. Cả ngày hôm qua em bị sốt 39°C và tối không ăn gì hết. Sáng nay em đã hết sốt nhưng vẫn không khá chút nào. [...]" (3).

Từ năm 1949 đến năm 1954, bà Nam Phương viết rất nhiều thơ gởi bưu điện về Đà Lạt cho chồng. Về sau, các lá thơ viết tay bằng tiếng Pháp này được tìm thấy và công bố, vì khi rời Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại không đem theo.

Tổng cộng 74 lá thơ, trong đó bà kể chuyện nhà, chuyện con cái, nỗi nhớ nhung, tâm trạng cô đơn... của mình. Bên cạnh một số bản chụp các lá thơ được trưng bày tại Cung Nam Phương ở Đà Lạt, chúng tôi được Viện bảo tàng Mỹ thuật Cécile Lê Phạm, Huế, cung cấp bản chụp một bức thơ (đề ngày 6-12-1953), một số bản chụp khác được in trong quyển sách của tác giả Phạm Hy Tùng xuất bản năm 2023.

Rất tiếc là trong số các tư liệu thu thập được, chúng tôi chỉ có thể khai thác thông tin từ những bản chụp nguyên văn các lá thơ. Các bản dịch được cung cấp thường rất vụng về và thiếu chính xác nên không thể xem là tư liệu đáng tin cậy nếu không có nguyên bản kèm theo.

Hoàng hậu viết rất nhiều. Sau lá thơ đầu tiên trích ở trang bên, trong tháng 5-1949 có thêm sáu lá thơ, và thêm năm lá thơ nữa trong tháng 6. Các thơ này gởi qua đường bưu điện, nghĩa là lúc đó nhanh nhất cũng phải hơn hai tuần mới đến, và nếu chờ thơ trả lời cũng phải thêm hai tuần nữa.

Nhưng lá thơ trước chưa đến, bà đã viết tiếp thêm nhiều thơ nữa. Mở đầu thơ, Hoàng hậu thường âu yếm gọi chồng bằng "Anh yêu" (Chéri), hoặc "Anh yêu của em" (Mon chéri). Lần khác, bà viết rất thân mật là "Cục cưng của em" ("Mon chou”, thơ đề ngày 30-5-1949).

Khi kể chuyện về các con, Bảo Long được gọi bằng tên quen gọi ở nhà là Bambino, hoặc Bino; Phương Mai là Bambina, hay Bina; Phương Liên là Bambinette; Phương Dung là Bédung. Còn Bảo Thăng, con út, là Bébé. Khi Bảo Thăng lớn lên thì không bằng lòng với tên Bébé nên được gọi là Teddy.

Trong thơ, Hoàng hậu hay tâm sự về nỗi cô đơn khi thiếu vắng chồng: "Vắng anh, căn nhà trống trải quá và rộng mênh mông" (thơ ngày 26-4-1949), và một lần nữa: "Không có anh, nhà thật trống trải" (thơ ngày 5-5-1949); đôi khi có vài nét lãng mạn: "Từ lúc anh đi, trời mưa nhiều..." (thơ ngày 5-5-1949).

Qua các lá thơ, người đọc biết được sức khỏe của Hoàng hậu yếu; nhiều lần, bà nói bị sốt, ho, lần khác bị cảm cúm rất nặng (thơ ngày 8-4-1950). Dẫu vậy, không bao giờ Hoàng hậu Nam Phương than vãn về những nỗi lo âu, nhọc nhằn của mình, nhưng đâu đó, qua vài chi tiết chúng ta có thể đoán bà phải một mình lo liệu mọi việc, không có ai giúp đỡ.

Như là sau mỗi kỳ nghỉ lễ, bà phải đưa hai con Phương Mai và Phương Liên vào trường nội trú. Đi xe lửa cả nghìn cây số từ Cannes về Paris, từ nhà ga thuê taxi về trường nội trú cách 50 cây số. Rồi một mình trên con tàu trở về...

Cựu hoàng Bảo Đại có bao giờ nghĩ đến những hy sinh, lòng thương yêu của người vợ đã trải qua biết bao nhiêu thử thách, gian nan vẫn giữ một lòng chung thủy và viết cho mình những dòng thiết tha trìu mến này?

---------------

(1) Tên chỉ viết tắt, có lẽ một người quen ở gần nhà Hoàng hậu.

(2) Nhà thờ Đức Bà Hy Vọng (Notre Dame de l'Espérance) của thành phố Cannes, xây trong khu phố cổ Le Suquet, trên đỉnh một ngọn đồi, nên từ xa có thể nhìn thấy. Đêm 26-4, nhà thờ bắn pháo bông mừng lễ nữ Thánh Alida.

(3) Thơ ngày 26-4-1949 trưng bày tại Cung Nam Phương, Đà Lạt.

Vĩnh Đào - Nguyễn Thị Thanh Thúy / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY