Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hình ảnh chưa từng thấy trong triều đình nhà Nguyễn

Hoàng hậu Nam Phương là người đầu tiên đi ra khỏi cung cấm, xuất hiện bên cạnh Hoàng đế trong những nghi lễ chính thức, những cuộc thăm viếng, những hoạt động riêng về mặt xã hội.

Những tấm ảnh về các chuyến kinh lý, thăm viếng đầu tiên có Hoàng hậu Nam Phương tháp tùng Vua Bảo Đại cho thấy một Hoàng hậu với dáng đi cương quyết, nét mặt điềm nhiên và tự tin, thường đi trước Hoàng thượng một bước. Trong những chuyến kinh lý các năm từ 1934 đến 1936, quan chức cao cấp của Pháp thường đi cùng với Vua Bảo Đại là Toàn quyền Pháp tại Đông Dương René Robin và vợ.

Trong nhiều trường hợp, Hoàng hậu Nam Phương là người đi trước, có vẻ như thấy không cần thiết phải góp phần tiếp chuyện xã giao với khách của chồng. Thái độ tự tin, lịch sự của Hoàng hậu, không tự phụ, kiểu cách mà cũng không e dè, khép nép trước những viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa chinh phục được sự kính nể của mọi người. Đây là một hình ảnh chưa từng thấy trong triều đình nhà Nguyễn.

Hoàng hậu giữ những kỷ niệm đẹp về thời gian năm năm theo học trường dòng tại Paris nên có hoài bão xây dựng một trường theo kiểu mẫu đó để các nữ sinh trong nước cũng hưởng được một nền giáo dục tối ưu như bà. Kế hoạch này được chia sẻ với người chị Agnès và hai người cùng bắt tay vào việc thực hiện rất sớm. Nơi chọn để xây trường học là thành phố Đà Lạt.

Các nữ tu dòng Đức Bà tại Pháp được mời về Đà Lạt để phụ trách việc điều hành và giảng dạy theo khuôn mẫu trường dòng Pháp. Một thửa đất 12 ha trên đồi Lang Bian (Lâm Viên) gần thác Cam Ly được hai chị em Agnès và Mariette mua để xây trường học. Một phái đoàn đầu tiên 12 nữ tu đã đến Đà Lạt vào tháng 10-1935.

Công tác xây cất tiến hành rất nhanh nên trường đã có thể khai trương lớp học đầu tiên vào tháng 10-1936. Trường có tên chính thức là Tu viện Đức Bà Lang-Bian, nhưng thường được gọi là Couvent des Oiseaux như trường của các nữ tu bên Pháp. Bên cạnh trường còn có một nhà nguyện và một tu viện dành cho 200 nữ tu.

Hoang hau Nam Phuong anh 1

Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại trong một chuyến kinh lý, năm 1934. Nguồn: manhhai / flickr.

[…]

Năm 1937, một trường tương tự do các nữ tu dòng Đức Bà điều hành được mở tại Hà Nội, mang tên Notre-Dame du Rosaire, và năm 1950 thêm một trường tên Regina Mundi được mở tại Sài Gòn.

Tháng 10-1936, Hoàng hậu Nam Phương cùng Vua Bảo Đại từ Huế đến Đà Lạt để dự ngày khai giảng của trường Couvent des Oiseaux. Trước đó, vào ngày 5-10, Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, có Hoàng Thái tử Bảo Long, chín tháng tuổi, do bà Bellaigue, người nữ cận thần (dame de compagnie) của Hoàng hậu bồng đi theo, đã viếng trường Sơ học Pháp - Việt Đà Lạt.

Sau trường Sơ học Pháp - Việt, Hoàng hậu đến viếng một trường dân tộc thiểu số tại xã M'Lon vào ngày 17-10. Trường nằm trên quốc lộ từ Đà Lạt đi Phan Rang và cách Đà Lạt 40 cây số. Để khuyến khích trẻ em dân tộc thiểu số miền Thượng đến trường học sinh được học nội trú miễn phí, ăn ở tại trường. Lần này chỉ có Hoàng hậu đến thăm trường, không có Vua Bảo Đại đi cùng.

Tuy nhiên, trong phái đoàn tháp tùng Hoàng hậu vẫn có Đốc lý thành phố Đà Lạt kiêm Công sứ Đồng Nai Thượng Augier và vợ, Quản đạo tỉnh Đồng Nai Thượng Trần Văn Lý và nhiều viên chức địa phương khác.

Sau cùng, ngày 26-10-1936 là ngày khai giảng các lớp học đầu tiên của trường Couvent des Oiseaux Đà Lạt, với hơn 100 học sinh. Đây là một dự án tâm huyết chung của hai chị em Agnès và Mariette. Con gái lớn của bà Agnès là Monique Didelot, sinh năm 1929, cũng là một trong những học sinh đầu tiên của trường. Gia đình Lê Phát Đạt - Nguyễn Hữu Hào rất giàu có nhưng sống rất khiêm tốn, không phô trương, nên không ai biết hai chị em đã tặng bao nhiêu tiền trong dự án này, từ việc mua đất, xây dựng cơ sở, mời các nữ tu từ Pháp qua...

Và mục tiêu đã đạt được: dành cho thế hệ phụ nữ mới một nền giáo dục tối ưu, những kiến thức vững vàng để thích ứng với một thời đại mới với những đổi thay triệt để. Sau trường Couvent des Oiseaux Đà Lạt, các nữ tu dòng Đức Bà ra miền Bắc lập trường Notre Dame du Rosaire tại Hà Nội năm 1937, rồi trường Regina Mundi tại Sài Gòn năm 1950.

Khi trường Notre Dame du Rosaire tại Hà Nội xây dựng xong, Hoàng hậu Nam Phương đã có một chuyến đi khá bí mật ra miền Bắc đầu năm 1938, để thăm các cơ sở giáo dục của các nữ tu dòng Đức Bà thánh Saint-Augustin trong vùng Hà Nội.

Đây là lần ra Bắc Kỳ đầu tiên của Hoàng hậu, cũng là một chuyến đi với tính cách cá nhân nên không có tờ báo nào loan tin. Vua Bảo Đại không đi cùng, chỉ có phu nhân Khâm sứ Graffeuil và Bí thơ Nguyễn Tiến Lãng tháp tùng Hoàng hậu.

[…]

Về hoạt động xã hội, Hoàng hậu Nam Phương là người rất năng động. Không thể kể hết những trường học, bệnh viện, nhà bảo sanh, trại dưỡng lão, trại người mù, cô nhi viện... bà đã đặt chân đến ở Trung Kỳ, Nam Kỳ và Tây Nguyên.

Hoàng hậu có chương trình riêng, không tùy thuộc vào các hoạt động của Vua Bảo Đại, như tháng 3-1935, trong chuyến kinh lý các tỉnh miền Trung, phái đoàn nhà vua ghé Quy Nhơn. Trong lúc Vua Bảo Đại cùng Khâm sứ Graffeuil thăm nhà thương Kim Châu (bệnh viện chuyên trị và ngăn ngừa bệnh ngã nước), Hoàng hậu Nam Phương cùng bà Graffeuil ghé thăm nhà thương hủi Quy Hòa, do Linh mục Paul Maheu cùng với Bác sĩ Lemoine của bệnh viện Bình Định thành lập năm 1929.

[…]

Ngoài ra, trong các cuộc thăm viếng các cơ sở từ thiện, bệnh viện hay viện mồ côi... Hoàng hậu thường lấy tiền riêng ra giúp, hoặc góp vào quỹ của cơ sở từ thiện, hoặc trao thẳng cho người nghèo.

Khi Hoàng hậu tặng tiền cho một tổ chức hay hội đoàn bằng cách viết ngân phiếu bưu điện, thí dụ giúp quỹ gia đình binh sĩ Trung Kỳ và Bắc Kỳ đang phục vụ trong quân đội Pháp nhân dịp Tết Tân Tỵ 1941, tặng Hội Cựu học sinh trường Đồng Khánh 200 đồng 110 nhân dịp lễ sinh nhật Hoàng hậu tháng 11-1940, tặng Hội Bảo trợ Nhi đồng Việt Nam ở Nam Kỳ 250 đồng nhân dịp Hội mới thành lập... người ta còn biết được số tiền, nhưng khi trao tặng trực tiếp lúc đang thăm viếng, không ai biết được Hoàng hậu đã chi ra bao nhiêu. Khi xảy ra thiên tai, Hoàng hậu không bao giờ quên đóng góp phần mình cho việc cứu trợ.

Hoặc khi xảy ra một sự kiện nào vui cho triều đình, đó cũng là dịp để Hoàng hậu xuất tiền làm từ thiện như sau khi hạ sinh Công chúa Phương Mai năm 1937, Hoàng hậu gởi 3.400 đồng đến các hội từ thiện ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Vĩnh Đào - Nguyễn Thị Thanh Thúy / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY